CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Vẻ đẹp vầng trăng khuyết.

Đăng lúc: 12:52:09 05/11/2015 (GMT+7)
100%

Đối với người khuyết tật, có công việc ổn định, thu nhập nuôi sống được bản thân là điều không dễ. Thế nhưng, bằng ý chí, nghị lực phi thường, chị Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1972 ở thôn 5 xã Tân Thọ đã vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực lao động sản xuất, không những tự nuôi sống bản thân mà còn là trụ cột của gia đình, là chỗ dựa của mẹ già và con thơ.

                   Sinh ra với số phận kém may mắn khi không được bình thường như những người khác, chị Hằng bị mắc chứng câm điếc bẩm sinh. Lớn lên cùng với những khiếm khuyết của cơ thể, chị không thể đi học, càng khó khăn hơn trong việc giao tiếp và hòa nhập cộng đồng. Theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Hối, (89 tuổi) mẹ đẻ của chị Hằng, chị là con thứ 4 trong gia đình có 5 người con. Đến nay các anh chị em đều có gia đình, trong đó 2 chị gái lấy chồng trong xã, còn gia đình anh trai và em trai thì sinh sống ở xa. Lúc nhỏ phát hiện chị không có khả năng nghe và nói, gia đình đã đưa chị đi nhiều nơi để chữa bệnh nhưng không có kết quả, chị đành chấp nhận với số phận của một người câm, điếc. Lớn lên chị chịu khó lao động, ngoài việc làm ruộng, lúc nông nhàn chị trông con cho các anh chị em trong nhà.

Năm 2013 chị Hằng theo học lớp dạy nghề mây tre đan của HTX tiểu thủ công nghiệp xã Tân Thọ. Dạy nghề cho người bình thường đã khó, dạy nghề cho người khuyết tật lại còn khó hơn. Hiểu được khó khăn đó, HTX tiểu thủ công nghiệp xã Tân Thọ đã bố trí giáo viên là người cùng thôn, đã quen tiếp xúc với chị nên có thể hiểu được ngôn ngữ cử chỉ để hướng dẫn chị học nghề đan giỏ tích. Vì không thể nghe và nói được nên chị luôn tận dụng khả năng quan sát và học hỏi của mình. Chị để ý từng hành động, từng thao tác của giáo viên rồi bắt chước làm theo. Do chịu khó, cần cù, chị đã nắm  được cách làm và làm rất khéo. Không những vậy chị còn có thể làm được nhiều công đoạn khác nhau. Ngoài thời gian làm việc tại HTX, chị Hằng còn nhận nguyên liệu về nhà làm. Hiện nay chị đang đảm nhiệm khâu nhồi xốp cho sản phẩm giỏ tích. Dù được giao ở công đoạn nào chị Hằng đều chịu khó học hỏi, cần mẫn làm từng chi tiết. Với sự khéo léo của đôi bàn tay, đến nay chị Hằng là một trong số những lao động có tay nghề cao của HTX tiểu thủ công nghiệp xã Tân Thọ. Thu nhập mỗi tháng trên 2 triệu đồng. Không những làm nghề có nguồn thu nhập ổn định, chị còn giành thời gian chăm sóc gia đình. Giờ đây trong căn nhà cấp 4 ở thôn 5 là tổ ấm của chị cùng với cô con gái năm nay đang học lớp 8 và người mẹ tuổi đã cao lại hay đau ốm.

Sự nỗ lực vượt qua nghịch cảnh của chị không chỉ là tấm gương về nghị lực vượt lên số phận mà đó còn là hình ảnh đẹp về người phụ nữ chịu thương, chịu khó. Những gì chị làm được đã khẳng định một điều rằng: với nghị lực vươn lên và khát khao hòa nhập cộng đồng, người khuyết tật có thể làm được những việc của người bình thường, thậm chí họ còn có thể làm tốt. 
                                                                                         Nguyễn Thơ