CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

NÔNG CỐNG NỖ LỰC KHẮC PHỤC THIỆT HẠI DO LŨ LỤT GÂY RA

Đăng lúc: 08:43:20 10/11/2017 (GMT+7)
100%

Nỗ lực đối phó với mưa lũ

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9 - 11/10 trên địa bàn huyện có mưa rất to. Mưa lớn kết hợp với việc mở xả lũ cống Hoàng Kim trên sông Hoàng, xã lũ hồ Yên Mỹ trên sông Thị Long đã gây ngập lụt trên diện rộng. Toàn huyện có 25 xã bị ngập nước, phần lớn các tuyến đê bối, đê bao bị tràn gây ngập sâu. Mưa lũ đã làm nhiều thôn ở các xã Tượng Sơn, Vạn Thiện, Thăng Bình, Trường Trung, Tân Thọ, Tân Khang... bị cô lập hoàn toàn; làm 3 người bị đuối nước, ngập 5.077 nhà dân, 487 hộ phải di dời; thiệt hại 780 con lợn, 41.000 con gia cầm, hàng trăm ha hoa màu, diện tích nuôi thủy sản bị hư hại, mất trắng; sạt lở nhiều tuyến đê, hư hỏng nhiều tuyến đường, cống thoát nước... Ước tổng giá trị thiệt hại trên 7,2 tỷ đồng.

Trước tình hình trên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã phân công các đoàn công tác kiểm tra, phòng chống, ứng phó nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động sơ tán, di dời dân cư ở vùng thấp, trũng, cửa sông, vùng ngoài đê, vùng hạ du các hồ đập đảm bảo an toàn về người và tài sản; kiểm tra đảm bảo an toàn công trình, nhất là các công trình đang thi công; đê điều, các hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ xung yếu; bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực xung yếu để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố; cử các thành viên về tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xã bị ngập để cùng với chính quyền địa phương chỉ đạo công tác chống lũ và giải quyết những vấn đề phát sinh trong mưa lũ. Chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức trực ban 24/24 để chủ động nắm tình hình và có kế hoạch ứng phó kịp thời với phương châm 4 tại chỗ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa, lũ gây ra. Đồng thời, đôn đốc các xã chủ động tiêu tháo nước đảm bảo an toàn về người và tài sản; điều tiết, hướng dẫn giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu...
       Ngay sau khi lũ đi qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở triển khai các biện pháp khắc phục nhanh nhất hậu quả do mưa lũ gây ra như: Thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người tử vong, bị thiệt hại về tài sản để ổn định đời sống và khôi phục sản xuất; xử lý tốt vệ sinh môi trường sau lũ... Ngành nông nghiệp và các ngành chức năng tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền hướng dẫn nhân dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây màu, cây ăn quả bị ngập; khơi thông hệ thống thoát nước trong khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường, đề phòng dịch bệnh có thể xảy ra cho người và gia súc; khắc phục tình trạng mất điện ở một số địa phương. Thống kê, rà soát đời sống của nhân dân khu vực bị ngập lụt; lập danh sách những hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ để được hỗ trợ kịp thời nhằm ổn định cuộc sống, nhanh chóng phát triển sản xuất.

       Ấm áp tình người
 
      Trong những ngày diễn ra đợt lũ lịch sử, nhân dân Nông Cống không đơn độc mà luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân trong cả nước thăm hỏi, động viên, ủng hộ tinh thần, vật chất; đã có hàng trăm đoàn thiện nguyện là những tổ chức, cá nhân đã trực tiếp đến địa phương thăm hỏi, động viên và hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, tổng giá trị hỗ trợ ước tính trên 2 tỷ đồng, gồm: 6.781 thùng mì, 10.764 suất quà, 3.983 chai nước, 8.200 kg gạo, 300 hộp sữa, 250 dây sữa, 500 chai dầu ăn, 500 gói mì chính, 02 thùng dụng cụ gia đình, 03 thùng lương khô, 300 bánh mì, 2000 suất cơm và 564 triệu tiền mặt nhằm giúp nhân dân ổn định cuộc sống, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Những chương trình ủng hộ, quyên góp, hỗ trợ vẫn đang tiếp tục tăng lên. Đặc biệt, không chỉ thể hiện sự sẻ chia bằng tiền, đồ dùng, lương thực, còn có thể nhận thấy sự cảm thương chân thật, sâu sắc với nhân dân nơi bão lũ qua những lời tâm sự, kêu gọi ủng hộ tràn ngập trên mạng xã hội. Điều này thêm lần nữa khẳng định, qua chiều dài lịch sử, tinh thần dân tộc, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam vẫn chưa bao giờ ngừng chảy và càng trong hoạn nạn càng tỏa sáng. Trực tiếp chứng kiến những đau thương, mất mát, càng cảm nhận sâu sắc tình người bừng sáng ấm áp. Sẻ chia gánh nặng cùng nhân dân đang từng ngày phải gồng mình chống chọi và khắc phục ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, từ hệ thống chính trị đến mỗi người dân đều đồng lòng hướng về vùng bị ngập lụt. Đó là khi Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hủy mọi cuộc họp để đi thực địa chỉ đạo ứng phó ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều, cứu trợ người dân; là khi hàng trăm chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân được huy động thức trắng đêm để cứu đê, cứu người, ngăn nước lũ. Tinh thần tương thân, tương ái vì đồng bào ruột thịt dấy lên khắp nơi, từ cơ quan, doanh nghiệp cho tới mỗi gia đình, mỗi người dân. Cảm động lắm những tấm lòng!...
                                                                                                                                                                         Mai Trang