CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Từ phố về quê làm giàu bằng chăn nuôi lợn

Đăng lúc: 11:50:43 12/05/2015 (GMT+7)
100%

Doanh nghiệp An Sinh đã được nhiều người trong vùng biết đến với trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại chuyên cung cấp con giống cho các trang trại chăn nuôi trong vùng, nhưng khi tới thăm trang trại mới thấy hết được quy mô và tài năng trong quản lý, chăn nuôi của giám đốc doanh nghiệp, người chủ trang trại. Là một phụ nữ mang nét kiêu sa của con gái phố. Từ bỏ nghề thương mại ở thành phố, chị Nguyễn Minh Nguyệt dồn hết tâm lực vào quản lý trang trại chăn nuôi lợn. Nhờ biết coi trọng và đầu tư khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, chị đã gặt hái được nhiều thành công. Hiện chị đang sở hữu một trang trại chăn nuôi lợn với 70 lợn ông bà, 30 lợn nái ngoại bố mẹ, 6 lợn đực ngoại, 250 lợn thịt, 250 lợn choai, 100 lợn cai sữa, 250 lợn sữa.

                  Quết định về quê làm nông dân

Có một mái ấm gia đình, kinh tế ổn định bên chồng và các con ở thành phố Thanh Hóa là cuộc sống lý tưởng mà không nhiều phụ nữ có được. Thế nhưng chị Nguyễn Minh Nguyệt sẵn sàng từ bỏ cuộc sống nơi phố phường để về quê xây dựng trang trại chăn nuôi lợn tại Thôn Cẩm Phúc, xã Vạn Hòa. Với ý thức muốn vực dậy một trang trại làm ăn không hiệu quả của người em trai, chị Nguyệt đã có một quyết định mang tính bước ngoặt làm cả gia đình ngỡ ngàng và phản đối quyết liệt. Năm 2006, chị bắt tay vào xây dựng trang trại. Khi bắt tay vào thực hiện chị mới thấy để thực hiện được ước mơ của mình không hề giản đơn, mọi khó khăn bắt đầu đến với chị khi không được sự ủng hộ của gia đình, không có kiến thức về chăn nuôi, đã đôi lúc chị do dự và có ý muốn bỏ cuộc. Nhưng trong thời điểm này huyện, tỉnh có chính sách đầu tư phát triển kinh tế trang trại, chị lại có thêm niềm tin và quyết tâm. Được tư vấn thiết kế chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho lợn, cùng với những cơ chế, chính sách khuyết khích hỗ trợ nên chị vững tin và nỗ lực để đạt được thành công. Chị xây dựng trang trại theo mô hình đa điểm, với nhiều dãy chuồng chuyên biệt như: khu nuôi lợn nái ông bà, bố mẹ, lợn thịt, lợn giống, lợn chửa, lợn đẻ và lợn con theo mẹ, lợn con sau cai sữa… chuồng trại thuộc loại hở, có sân chơi, giúp cho lợn tắm nắng, hóng mát và dễ dàng hoạt động. Sàn chuồng được thiết kế phù hợp từng giai đoạn sinh trường của lợn, với chất liệu từ nhựa hoặc hàn bằng sắt tròn có khe thoát nước cho lợn con và làm bằng bê tông chắc chắn đối với chuồng nuôi lợn choai, lợn thịt, đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng về mùa hè. Nguồn phân thải ra hàng ngày được đưa ra khỏi trang trại bằng cách đóng bao bán hoặc ủ từ các chế phẩm sinh học làm phân. Chị tâm sự: “Đối với người phụ nữ khó khăn, vất vả trong công việc không đáng sợ bằng sự cô đơn, phải bỏ chồng, bỏ con lại thành phố để về quê làm kinh tế là một quyết định không hề đơn giản”. Khu trang trại cách xa thành phố khoảng 40 km nên việc đi lại khá bất tiện. Thường, một ngày chị vào thăm trang trại một lần, theo dõi kịp thời xử lý nếu có vấn đề gì xảy ra đối với đàn lợn. Khi lợn bị bệnh, chị phải ở lại trang trại cùng công nhân chăm sóc đàn lợn.

Thành công nối tiếp thành công

Năm 2010, tỉnh Thanh Hóa có chủ chương khuyến khích người dân nuôi giống lợn ngoại, chị xin tham gia thực hiện mô hình trình diễn chăn nuôi lợn ngoại. Kết quả mô hình thực hiện đạt hiệu quả cao. Đó là cơ duyên để chị gắn bó với việc chăn nuôi giống lợn này. Hiện tại chị nuôi 70 lợn nái ngoại ông bà, 30 lợn nái ngoại bố mẹ chủ yếu nuôi giữ đàn lợn nái giống gốc ngoại để sản xuất lợn giống cung ứng cho các trang trại va các hộ chăn nuôi trong và ngoài huyện. Mỗi kg lợn giống có giá bán từ 60.000đ/kg, trong khi giá bán lợn giống ngoài thị trường thấp hơn nhưng lợn giống của trang trại của chị không đủ để cung ứng cho thị trường. Mỗi năm chị bán 400-500 con lợn giống, mỗi con lợn giống nặng trên 40kg.

Theo chị, để lợn phát triển tốt cần chú trọng đến khâu thức ăn và cách phòng bệnh cho lợn. Phải chọn thức ăn đảm bảo an toàn, phù hợp theo từng giai đoạn phát triển. Đề phòng bệnh cho lợn việc vệ sinh chuồng trại phải thực hiện thường xuyên ít nhất 2 lần/ngày, nhằm đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ. Mỗi tuần phun thuốc sát trùng 2 lần cả trong và ngoài chuồng. Thực hiện nghiêm việc tiêm vác xin phòng bệnh cho lợn theo định kỳ. Chị thuê một kỹ sư thú y thường xuyên theo dõi chăm sóc tình hình hoạt động của lợn, bởi thế trang trại đã ngăn ngừa được dịch bệnh, đàn lợn tăng trưởng tốt, hiệu quả cao. Với gần 1.000 con lợn các loại, trung bình mỗi năm trang trại của chị thu lãi từ 250-350 triệu đồng. Chị Nguyệt là một chủ trang trại dám nghĩ dám làm, giàu nghị lực và niềm đam mê với nghề nên thành công luôn đến với chị. Không những làm giàu cho gia đình mà chị còn tạo việc làm thường xuyên nhiều lao động địa phương. Với những thành tích trong làm kinh tế giỏi, chị đã được huyện, tỉnh tặng giấy khen, bằng khen và dự các hội nghị điển hình, hội thảo về phát triển kinh tế trang trại cấp quốc gia. Ngoài quản lý trang trại, chị còn dành thời gian chăm sóc gia đình nuôi dạy 2 con ăn học thành đạt. Không phụ công người, những nỗ lực của chị đã được đền đáp xứng đáng. Giờ đây chị đã có một trang trại bề thế, ăn nên, làm ra, các con thành đạt, gia đình đầm ấm hạnh phúc.

Người phụ nữ với gương mặt ưa nhìn, có nét kiêu sa, trông chị khác hẳn dáng vẻ của một nông dân, nhưng ít ai hiểu được để có được thành công chị đã phải trải qua biết bao khó khăn, vất vả. Chia tay chị Nguyệt trong một chiều hè vẫn còn văng vẳng lời chị dặn, “nói về chị ít thôi em nhé!” làm chúng tôi phải suy nghĩ. Thật ra phía sau sự giỏi giang, thành đạt lại là một người phụ nữ rất khiêm tốn.

                                                                              Mai Trang