CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Nữ thương binh tàn nhưng không phế

Đăng lúc: 14:19:40 29/12/2014 (GMT+7)
100%

Chiến tranh đã cướp đi một phần thân thể, bệnh tật hiểm nghèo đã cướp đi người chồng thân yêu, khó khăn, đói nghèo dồn dập bủa vây... vẫn không thể làm chị Nguyễn Thị Suối chùn bước. Bằng niềm tin vào bản thân và sự giúp đỡ kịp thời của HLH Phụ nữ xã Tế Nông chị đã vươn lên làm giàu và tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ khác.

            Chị Nguyễn Thị Suối sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Tế Nông, huyện Nông Cống. Năm 1965, theo tiến gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị lên đường nhập ngũ, dũng cảm, gan dạ trong chiến đấu, chị bị thương mất đi một cánh tay. Hai năm sau, trở về địa phương, với cánh tay thiếu hụt, chị càng hiểu hơn nổi đau của một người không có cơ thể trọn vẹn, quả đúng như người xưa thường nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Đã có lúc chị gần như đã mất đi nghị lực sống, mặc cảm vì mình là một người tàn phế, làm lụng vất vả vẫn không đủ ăn. Nhưng với ý chí của một người thương binh “tàn nhưng không phế”, với quan điểm sống “người phụ nữ nếu có niềm tin vào bản thân mình, có sự quan tâm của cộng đồng, dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể làm được những việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”, chị lại cố gắng tham gia lao động, sản xuất, tự vươn lên. Năm 1987, chị xây dựng gia đình với anh vũ Văn Giang là công nhân cơ khí, sinh được 2 người con, một trai, một gái. Cuộc sống vất vả nhưng chị luôn cố gắng để vun đắp cho tổ ấm của mình, nuôi dạy con cái. Nỗi đau ập đến, khi chồng chị bị bệnh hiểm nghèo rồi mất, tài sản trong nhà cũng đội nón ra đi.

            Người trụ cột trong gia đình không còn, khó khăn bủa vây, hơn lúc nào hết, chị tha thiết muốn có một công việc phù hợp với tình hình sức khỏe, đem lại thu nhập để nuôi gia đình và cho con được đến trường. Cơ duyên đã đến với chị vào năm 2007 khi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ giảm nghèo do Hội LHPN xã Tế Nông tổ chức. Tại đây, chị được gần gũi với chị em cùng cảnh ngộ, chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời thôi thúc ý chí làm giàu cho bản thân, giúp đỡ chị em trong câu lạc bộ có thêm thu nhập. Năm 2008, nhờ có Hội LHPN xã đứng ra tín chấp, chị vay được 51 triệu đồng làm vốn đầu tư mua máy dệt chiếu tăng năng suốt.

Ban đầu do chưa có kinh nghiệm từ kỹ thuật và thị trường tiêu thụ, việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chị Suối đã phải vất vả tự tìm tòi thị trường tiêu thụ và tìm thợ am hiểu về máy để đảm bảo kỹ thuật sản xuất. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, Hội LHPN các cấp và chính nghị lực của bản thân, chị đã chiến thắng mọi khó khăn vươn lên thoát nghèo. Sau 5 năm gây dựng và đi vào hoạt động, hiện nay kinh tế gia đình chị đã ổn định và có bước phát triển. Hàng năm trừ chi phí, gia đình chị thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Cơ sở của chị còn tạo việc làm ổn định cho 16 lao động trong xã, lương bình quân từ 1,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng, trong đó đa số lao động là thành viên của CLB phụ nữ giảm nghèo.

Với nghị lực sống và ý chí vươn lên không khuất phục khó khăn và tấm lòng nhân hậu, chị đã tạo dụng được cơ ngơi cho mình, giúp đỡ được nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống nên chị được mọi người xung quanh yêu mến và cảm phục. Chị xứng đáng là người nữ chiến binh “tàn nhưng không phế” của quê hương Nông Cống anh hùng.

                                                                        Phạm Thị Hằng

                                                      Phó Chủ tịch Hội LH Phụ nữ huyện