CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt chế độ chính sách an sinh xã hội

Đăng lúc: 08:03:28 31/07/2014 (GMT+7)
100%

 

             Thực hiện Nghị định số 78 ngày 04/10/2002 của Chính phủ vì tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; thực hiện Quyết định số 131 ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập ngân hàng chính sách xã hội. Ngày 10/5/2003 ngân hàng chính sách xã hội huyện được thành lập trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại hoạt động của ngân hàng phục vụ người nghèo để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện.

            Hơn 10 năm hoạt động, ngân hàng CSXH luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện, sự chỉ đạo trực tiếp, hiệu quả của ngân hàng CSXH tỉnh; sự kết hợp chặt chẽ giữa ngân hàng CSXH với các tổ chức chính trị-xã hội, đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, viên chức trong đơn vị vì vậy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên tục hơn 10 năm qua

            Từ những ngày đầu thành lập với nguồn vốn và dư nợ cho vay là 22.148 triệu, đến nay đã tập trung nguồn lực trên 300 tỷ đồng, tăng trên 10 lần so với năm 2003. Từ nguồn vốn tập trung được đã sử dụng để mở rộng đầu tư cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, tăng từ 2 chương trình tín dụng lên 7 chương trình tín dụng, đáp ứng cơ bản nhu cầu cho các đối tượng thụ hưởng. Bình quân mỗi năm có 5.300 lượt hộ được vay, mức vay bình quân là 16.000.000đ/hộ tăng so với trước đây là 10.000.000đ/hộ, trong đó có rất nhiều hộ nghèo, hộ chính sách được thụ hưởng đồng thời một lúc nhiều chương trình tín dụng. Từ chỗ trước đây mới đáp ứng cho một bộ phận rất ít hộ nghèo, các đối tượng chính sách tại các đơn vị thôn, xã được vay vốn ưu đãi thì đến nay 336 đơn vị cấp thôn của 33 xã, thị trấn đều được thụ hưởng, xóa bỏ hoàn toàn thôn trắng, xã trắng về tín dụng ưu đãi. Đa dạng các đối tượng vay và chương trình cho vay:

            1. Đối với chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư sản xuất kinh doanh: đã có 34.537 lượt hộ nghèo được vay vốn, mức bình quân đạt 10.000.000đ/hộ. Sau hơn 10 năm trên toàn huyện có 7.351 hộ thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn vay của chương trình góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo mà các cấp ủy và địa phương đề ra hàng năm.

            2. Đối với chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn: Chương trình này thực hiện từ năm 1998 đến nay có 17.208 lượt hộ được vay vốn cho 20.650 học sinh, sinh viên theo học nhờ chương trình này con em các gia đình khó khăn có điều kiện được học tập tại các trường, đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức, mở ra cơ hội có việc làm trong tương lai.

            3. Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm: Đã có 526 lượt cơ sở sản xuất và hộ gia đình được vay vốn với mức bình quân đạt 20.000.000đ/khách hàng. Chương trình này đã thu hút và tạo việc làm mới có thu nhập ổn định cho 1.055 lao động, góp phần cải thiện đời sống cho 500 hộ gia đình, khôi phục, bảo tồn và phát triển nhiều ngành nghề truyền thống như mộc, dân dụng, chiếu cói, nón lá…cũng như chăn nuôi lợn, bò sinh sản, lợn nái ngoại…trên địa bàn.

            4. Đối với chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài: chương trình này bắt đầu từ năm 2004 đến nay đã có 228 lượt lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được vay vốn, mức bình quân 25.000.000đ/người. Chương trình này tạo việc làm, cải thiện đời sống giúp 200 hộ thoát nghèo, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, xã hội.

            5. Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường triển khai năm 2007 đến nay đã có 4.189 lượt hộ gia đình ở khu vực nông thôn được vay vốn, mức cho vay tối đa 8 triệu đồng/hộ để xây dựng, cải tạo công trình vệ sinh đảm bảo chuẩn quốc gia. Từ nguồn vốn vay trên 4000 hộ gia đình được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, góp phần đáng kể vào việc giữ gìn vệ sinh, cải thiện môi trường sống ở nông thôn.

            6. Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở: Đã xây dựng được trên 1000 ngôi nhà cho đúng đối tượng góp phần cải thiện điều kiện nhà ở, nâng cao đời sống cho hộ nghèo.

            Tính đến ngày 30/6/2014 tổng dư nợ 7 chương trình cho vay trên địa bàn toàn huyện là 321.097 triệu đồng trong đó:

            Hộ nghèo: 10.100 hộ, số tiền 124.888 triệu; hộ cận nghèo: 2.215 hộ, số tiền 55.317 triệu; chương trình nước sạch vệ sinh 4.189 hộ, số tiền 27.711 triệu; xuất khẩu lao động 228 lao động, số tiến 249 triệu; học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 7.208 em, số tiền 97.273 triệu; giải quyết việc làm 1.055 lao động, số tiền 3.763 triệu; hộ nghèo làm nhà ở 1.480 hộ, số tiền 11.836 triệu.

            Nhìn lại sau hơn 10 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, có thể khẳng định ngân hàng CSXH huyện Nông Cống đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện nâng cao đời sống cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi không chỉ mang lại giá trị về kinh tế mà ý nghĩa chính trị-xã hội thật sự to lớn thể hiện tính ưu việt trong thực hiện các chính sách về an sinh xã hội của nhà nước ta, gắn tăng trưởng kinh tế với đảm bảo các chính sách về an sinh xã hội. Chương trình tín dụng bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giúp người nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo, khá giả và làm giàu, tạo cho họ tính tự chủ, năng động, sáng tạo trong cách tổ chức sản xuất, xóa bỏ kinh tế tự cấp tự túc, vươn lên sản xuất hàng hóa theo xu thế chủ động tích cực hội nhập quốc tế. Việc triển khai các chương trình tín dụng lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM, làm tăng thêm hiệu quả chương trình, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội tại địa phương.

            Từ những kết quả nói trên xin rút ra một số kinh nghiệm như sau:

            Một là: Ngân hàng CSXH đặc biệt coi trọng vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp đồng bộ thống nhất với các ban ngành, các tổ chức chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở trong việc tập trung vốn vay cho từng vùng, từng chương trình vay vốn, từng đối tượng khách hàng, bám sát mục tiêu định hướng phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương, hướng về mục tiêu chương trình quốc gia giảm nghèo.

            Hai là: thường xuyên nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ ngân hàng, kết hợp với việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống người đảng viên, cán bộ viên chức trong ngành gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: thực hiện dân chủ công khai minh bạch từ cơ sở, cấp tiền trực tiếp cho hộ vay đúng địa chỉ người thụ hưởng, không qua cầu cấp trung gian, đảm bảo mục đích vay, phát huy hiệu quả, bảo đảm khả năng thu hồi, ngăn chặn được thất thoát vốn, tiết kiệm chi phí cho khách hàng và xã hội, góp phần đáng kể vào chương trình mục tiêu quốc gia quốc gia giảm nghèo và việc làm trên địa bàn toàn huyện.

Ba là: Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, của ban đại diện hội đồng quản trị, hệ thống kiểm tra nội bộ của ngân hàng, cấp ủy, chính quyền các địa phương và người dân. Giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án cho vay.

Nhiệm vụ trong thời gian tới

Ngoài nhiệm vụ thường xuyên, để đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ ngày càng cao, góp phần thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngân hàng chính sách xã hội Nông Cống tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ ngân hàng; kỹ năng quản lý vốn cho cán bộ các hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn, trưởng ban giảm nghèo xã, trưởng thôn. Nâng cao chất lượng phục vụ của tổ giao dịch lưu đông ngân hàng tại các điểm giao dịch xã, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền qua các kênh thông tin để chính sách tín dụng ưu đãi đến được với đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát trong việc chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước, thể lệ, chế độ của ngành, các văn bản chỉ đạo của ngân hành CSXH cấp trên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sai phạm và rủi ro trong hoạt động, ngăn ngừa hiện tượng tiêu cực xảy ra.

Phát huy những kết quả đạt được, sự đoàn kết nổ lực của cán bộ viên chức, phát huy vai trò và sức chiến đấu của chi bộ đảng nhiều năm liên tục đạt trong sạch, vững mạnh, đặc biệt năm 2013 được BCH Đảng bộ tỉnh tặng Bằng khen, ngân hàng CSXH huyện tiếp tục nổ lực phấn đấu hoàn thàn xuất sắc nhiệm vụ ở chặng đường tiếp theo./.
                                                                               Lê Đức Cường
                                                                  Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện