CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Cuốn Nhật ký bằng thơ trở về từ nước Mỹ

Đăng lúc: 12:31:08 05/11/2015 (GMT+7)
100%

Chúng tôi có dịp về thăm gia đình bác Nguyễn Văn Chinh, em trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam ở thôn Thanh Minh, xã Minh Nghĩa, chủ nhân tiếp nhận cuốn nhật ký, di vật do lính Mỹ chiếm giữ sau trận đánh ở chiến trường miền Nam vừa được Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Át-tơn Cát-tơ (Ashton Carter) trao lại cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, với mong muốn kỷ vật này sẽ được trả về cho gia đình của người lính Việt và “Mỹ sẽ tiếp tục hàn gắn lại những vết thương chiến tranh".

         Trong niềm xúc động sâu sắc của những người thân, bác Chinh, em trai liệt sỹ Nguyễn Văn Nam chia sẻ "Gia đình bác thật sự vui mừng khi được nhận lại kỷ vật của người anh trai đã hy sinh cách đây 43 năm. Điều bất ngờ hơn đó là cuốn nhật ký lại trở về từ nước Mỹ xa xôi, cách Việt Nam nửa vòng trái đất". Cũng theo lời kể của bác Chinh chúng tôi được biết liệt liệt sĩ Nguyễn Văn Nam sinh năm 1952, là con thứ 2 trong gia đình có 6 người con. Khi chưa tròn 18 tuổi anh đã hăng hái tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Sau thời gian huấn luyện 6 tháng, đầu năm 1970 anh lên đường vào Nam chiến đấu được bổ sung vào Quân khu 9, chiến trường miền Tây Nam Bộ. Chiến tranh ác liệt nên gia đình hầu như không nhận được thư từ chiến trận gửi về. Đất nước hòa bình, Nam Bắc đã sum họp một nhà nhưng gia đình đợi mãi mà cũng không thấy anh Nam trở về. Đầu năm 1976 gia đình mới nhận được giấy báo tử. Theo thông tin trên giấy báo tử thì liệt sĩ Nguyễn Văn Nam hy sinh ngày 13/4/1972, an táng tại Kinh Dương, Kiến Bình, Kiến Tường, tỉnh Long An. Lúc này gia đình nhận được 2 giấy báo tử cùng một lúc, người anh cả là Nguyễn Văn Việt cũng mãi mãi không trở về.

Trở lại với cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, chúng ta thấy được lý tưởng, lẽ sống của cuộc đời anh. Những câu nói của Bác Hồ được anh ghi chép một cách cẩn thận như để tự răn bản thân: “Dù chiến tranh 10, 20 năm hoặc lâu hơn nữa thì ta tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi chứ nhất định không chịu làm nô lệ”. Bên cạnh đó là những hình vẽ minh họa kèm với những dòng chữ thể hiện sự quyết tâm chiến đấu, chiến thắng giặc ngoại xâm: “Dũng mãnh xông lên san bằng đồn bốt địch”, “Bao năm nay tôi vẫn sống trên tuyến lửa”…và có một điều thi vị hơn nữa đó là tuy nhật ký được viết trong chiến tranh khói lửa đạn bom khốc liệt nhưng trong đó không hề nhắc đến sự tàn khốc của chiến tranh, mà ngược lại anh lính trẻ ấy đã viết nên những bài thơ rất lãng mạn, tràn đầy tinh thần lạc quan:

“Trăng khuyết rồi trăng lại tròn

Quay đi quay lại anh còn yêu em

Xa em anh chẳng có quên

Xa em anh lại có trăng bên rồi…”

Trong cuốn nhật ký của mình, liệt sĩ Nguyễn Văn Nam cũng nhiều lần nhắc đến một người con gái được gọi là “em” nhưng không nói rõ tên, và trong suốt cuốn nhật ký, người đó vẫn là một bí ẩn:

“Hai đứa chúng mình quen nhau từ thuở nhỏ

Nhà em bên nhà anh

Đường đi vào trong ngõ

Cách nhau chỉ một rào dây…”

Xem cuốn nhật ký có thể thấy chủ nhân là một người rất thích vẽ. Dù chỉ bằng những nét bút rất thô sơ nhưng người lính Nguyễn Văn Nam đã vẽ lên trang nhật ký của mình những bông hoa hồng, hoa sen, cành đào đón mùa xuân, hình ảnh bóng dừa đặc trưng của miền Nam với dòng chữ “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam”. Mở đầu cuốn nhật ký là hình ảnh bông hoa hồng đỏ thắm với câu thơ:

“Hoa ơi nở mãi đừng tàn

Ngày sau hoa lại muôn vàn nhị thơm”

Rồi hương sen cũng đi vào trong thơ của người lính trẻ:

“Hương sen bay thơm ngát tới lòng anh

Chiến trường lửa đạn để dành gửi em...”

Cuốn nhật ký có những trang giấy thấm máu bắt đầu đã ố vàng nhưng vẫn đọc được những thông tin như: “Nguyễn Văn Nam - Xuân Trường - Minh Nghĩa - Nông Cống - Thanh Hóa; Văn Nam- Minh Tiền - Minh Nghĩa - Quê mẹ; Mến gửi em Hà Thị Rốt - Trường Trung cấp nông nghiệp Hậu Lộc - Thanh Hóa; Phạm Thị Lịch, giáo viên trường cấp 1 Minh Nghĩa - Nông Cống - Thanh Hóa. Chính từ những dòng địa chỉ này mà Phòng Sưu tầm - Bảo tàng lịch sử quân sự đã xác nhận thông tin và trao cuốn nhật ký về cho thân nhân của liệt sĩ Nam.

Bác Chinh cho biết: tên người được nhắc đến trong cuốn nhật ký như cô Phạm Thị Lịch, cô Hà Thị Rốt là hai người con gái từng sinh sống trong nhà. Người phụ nữ có tên Phạm Thị Lịch là cô giáo tiểu học người xã Trung Thành, huyện Nông Cống. Cô từng ở trọ hơn một năm trong căn nhà của bố mẹ liệt sĩ Nam để dạy học cho con em Minh Nghĩa. Còn Hà Thị Rốt là cô gái làng bên, thời thanh niên hay được gán ghép với anh Nam. Chiến tranh kết thúc, hai người con gái trên đều lập gia đình và có cuộc sống riêng.

Điều trăn trở nhất của gia đình hiện nay là chưa tìm được mộ của liệt sĩ Nam. Sau nhiều lần gia đình tổ chức đi tìm nhưng chưa thấy hài cốt liệt sĩ Nam. Cách đây ít năm gia đình tìm thấy một ngôi mộ có lý lịch giống mô tả về liệt sĩ nhưng khi trở lại thì đã có một gia đình ở Hải Dương nhận là thân nhân nên đã đưa về Hải Dương. Sinh thời, cha mẹ liệt sĩ không khi nào nguôi ngoai nỗi nhớ hai con trai ngã xuống. Với nỗi niềm đó nên trước khi mất, cụ Nguyễn Văn Tài, đã lập một ngôi mộ gió chung cho cả hai người con tại nghĩa trang của địa phương. Có một sự trùng hợp rất đặc biệt đó là Cụ bà Lê Thị Cưu, mẹ liệt sĩ Nam trút hơi thở cuối cùng vào ngày 01/6/2015, đúng ngày cuốn nhật ký được trao lại cho người Việt.

         Sau 43 năm bên đất Mỹ, cuốn Nhật ký giờ đây đã trở về với quê hương, với người thân trong gia đình. Đây là kỷ vật có ý nghĩa đặc biệt, đó là sự động viên rất lớn đối với những người thân trong gia đình liệt sĩ Nam, ở đâu đó trên dải đất hình chữ S này, linh hồn của liệt sĩ Nam cũng phần nào được an ủi. Sau khi nhận cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, gia đình đã hiến tặng lại cho Bảo tàng lịch sử quân sự. “Sống anh dũng - Chết vẻ vang”, bây giờ cuốn nhật ký không còn là của riêng anh, của gia đình anh nữa mà là báu vật của cả dân tộc Việt Nam.

                                                        Nguyễn Thơ