CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

xã Thăng Long nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Đăng lúc: 14:19:40 29/12/2014 (GMT+7)
100%

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện chương trình NMT, bằng sự nổ lực, đồng thuận và dựa vào sức dân xã Thăng Long đang có những bước chuyển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, bộ mặt nông thôn mới đang hiện hữu rõ nét hơn từng ngày trên mãnh đất này.

               Cách thị trấn Nông Cống 3km về phía Bắc, Thăng Long có tổng diện tích tự nhiên 1.602,82ha, trong đó đất nông nghiệp: 1.148,98ha. Toàn xã có 3.105 hộ, 13.184 nhân khẩu. Vốn là xã thuần nông thuộc vùng bán sơn địa, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh những yếu tố thuận lợi như: có vị trí thuận lợi để phát triển dịch vụ, thương mại; hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng cơ bản, điều kiện đất đai phong phú...nơi đây cũng còn không ít khó khăn: nguồn lực của địa phương hạn chế, trình độ dân trí của người dân không đồng đều, nhận thức của người dân về ý nghĩa, mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới còn chưa sâu. Thời gian đầu triển khai chương trình, nhiều người còn có tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước. Ở nhiều thôn, việc sản xuất còn manh mún, nhiều người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi…chính từ việc xác định những thuận lợi và khó khăn của địa phương nên khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đảng bộ, chính quyền xã đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hướng tới xây dựng nông thôn mới Thăng Long có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất từng bước hợp lý, môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Bắt tay vào triển khai chương trình, Thăng Long đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp xã. Mỗi thành viên trong Ban chỉ đạo được phân công phụ trách từng thôn, tiến hành điều tra hiện trạng nông thôn của địa phương lấy đó làm cơ sở cho công tác lập quy hoạch và xây dựng lộ trình thực hiện, với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm để hoàn thành các tiêu chí, qua đó rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các tiêu chí còn lại. Hàng tháng, quý, Ban Chỉ đạo tổ chức họp giao ban đánh giá kết quả triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền cũng được địa phương đặc biệt chú trọng và đa dạng hóa bằng nhiều hình thức như: phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của xã, qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu và lồng ghép thông qua các chương trình hội nghị để tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, huyện và các nhiệm vụ cụ thể của xã…để người dân hiểu rõ hơn về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận trong nhân dân qua đó tạo ra nhận thức mới để người dân tự nguyện và tích cực tham gia…Bên cạnh đó Đảng ủy xã đã giao chỉ tiêu đánh giá thi đua cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội nhằm tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thông qua phát động các phong trào thi đua như: “5 không 3 sạch”, hiến đất làm đường, phong trào giúp nhau làm kinh tế, phát triển sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực xây dựng các tiêu chí về gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa…

Để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc phân bổ nguồn lực được xã Thăng Long ưu tiên hướng vào các lĩnh vực chính như: Kết cấu hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đa dạng hoá các ngành nghề…Đặc biệt nêu cao việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”…Chính nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, lập quy hoạch và phát huy dân chủ trong nhân dân nên địa phương đã từng bước khơi dậy sức mạnh tập thể, nhờ vậy sau gần 4 năm Thăng Long đã huy động được 23,876 tỷ đồng, trong đó trong đó vốn nhà nước hỗ trợ  987 triệu đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư 2,25 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp gần 20,639 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6 năm 2014 Thăng Long đã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ dồn sức trong việc đẩy nhanh hoàn thành các tiêu chí, Thăng Long còn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tập trung phát triển sản xuất nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong những năm qua kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, TTCN, dịch vụ. Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng (năm 2013 đạt 18.634 nghìn đồng), hộ nghèo giảm còn 9,2%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến, công tác thu gom, vận chuyển rác thải định kỳ đã giải quyết; hầu hết dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch... bộ mặt nông thôn được thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, bản sắc văn hoá được phát huy, môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống chính trị được tăng cường. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.

 Chia sẻ kinh nghiệm về XDNTM, ông Nguyễn Xuân Khanh-Bí thư Đảng bộ, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã cho biết “Xác định XDNTM là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các tiêu chí, địa phương đặc biệt đề cao đến nhóm tiêu chí nâng cao đời sống của nhân dân, vừa tạo khí thế phấn khởi, vừa nuôi dưỡng sức dân, từ đó khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân, là nhân tố quyết định thành công”.

Từ thực tiễn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã Thăng Long đã rút ra một số kinh nghiệm bước đầu:

Một là: Phải coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Coi trọng và phát huy vai trò chủ thể của người dân, tạo sự tin tưởng, phấn khởi, tích cực tham gia hưởng ứng của nhân dân.

Hai là: Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát có trọng tâm, trọng điểm, chủ động, linh hoạt và động viên khích lệ kịp thời.

Ba là: Trong quá trình triển khai cần thực hiện biện pháp lồng ghép và đồng bộ các chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa xã hội và môi trường thực hiện theo quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới.

Bốn là: Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới cần nắm chắc tình hình thực tế về kinh tế, văn hóa-xã hội của huyện, tâm lý của nhân dân, chỉ đạo lựa chọn những công việc phù hợp với điều kiện và khả năng nhân dân của từng xã chỉ đạo làm trước, làm điểm.

Năm là: Khi triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới phải được thực hiện theo đúng nguyên tắc dân chủ công khai góp phần tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân, vận động, kêu gọi con em quê hương công tác, sinh sống ở mọi miền trong và ngoài nước tích cực tham gia ủng hộ./.