CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Xã Tân Thọ tích cực phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa xuân.

Đăng lúc: 11:50:43 12/05/2015 (GMT+7)
100%

Đến thời điểm này, trên 230,1 ha lúa của xã Tân Thọ sinh trưởng và phát triển đồng đều. Các trà lúa và các giống lúa đều đang ở giai đoạn đòng già, một số diện tích đã trổ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên tình hình sâu bệnh hại lúa có chiều hướng phát triển, diễn biến khá phức tạp

              Vụ xuân năm 2015, xã Tân Thọ gieo cấy hết 100% diện tích với 230,1 ha lúa, cơ cấu 70% diện tích bằng các giống lúa lai có năng suất cao như: Nhị ưu 838, Thái xuyên 111, C.ưu đa hệ số 1...diện tích còn lại sâu trũng cấy bằng các giống lúa thuần như: nếp thơm, X21, Xi23, Q5. Năm nay trước diễn biến bất thường của thời tiết, nắng nóng xuất hiện sớm, cộng với mưa kéo dài (từ ngày 1-12/3/2015), bên cạnh việc tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt thì đây cũng là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh sinh trưởng, phát triển mạnh. Với các loại sâu bệnh chủ yếu là bệnh đạo ôn, rầy các loại, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn, vàng lá sinh lý ...

  Trước diễn biến của nhiều loại sâu bệnh hại lúa, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra ở vụ xuân 2015 cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo HTX tuyên truyền tích cực qua hệ thống truyền thanh về tình hình sâu bệnh, các loại thuốc đặc hiệu áp dụng với từng loại sâu bệnh để người dân nắm bắt kịp thời, chủ động phòng trừ. HTX DVNN cử cán bộ nông nghiệp, cùng với bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, nắm bắt kịp thời diễn biến của sâu bệnh, đồng thời có những chỉ đạo cụ thể:

Đối với rầy, diện tích nhiễm rầy cần được cung cấp đủ nước nhằm hạn chế tốc độ thiệt hại, đáp ứng nhu cầu về nước của cây lúa và công tác xử lý rầy. Thực hiện có hiệu quả các phương pháp xử lý như thả vịt con vào ruộng cho vịt ăn rầy (chỉ áp dụng khi ruộng chưa phun thuốc hoá học). Thuốc xử lý AC Dinosin 500WP, ElSin 10EC (Boom), Matoko 50WG, Chess 50WG. Lượng thuốc AC Dinosin 1,5 gói/sào với mật độ ≤ 2000 con/m2, mật độ ≥ 2000 con/m2 dùng 2 gói/sào. Matoko, Chess: 2 gói/sào. ElSin: 1chai 40ml dùng cho 1 sào-1,5 sào tuỳ theo mật độ và tuổi rầy. Lượng nước: 30 lít/sào (500m2). Nơi có mật độ rầy cao, tuổi rầy còn nhỏ (tuổi 1, tuổi 2) thân lá còn xanh tươi dùng thuốc nội hấp, lưu dẫn Matoko hoặc Chess. Nơi có mật độ rầy cao, lúa biểu hiện sắp cháy, đang cháy hoặc lúa đã chín (đỏ đuôi trở đi) chỉ dùng thuốc AC Dinosin hoặc ElSin. Thời điểm phun thuốc khi thân, lá lúa khô ráo, nếu phun xong ít nhất được 3h không mưa không phải xử lý lại. Tất cả các loại thuốc nêu trên không cần rẽ lúa.

Đối với bệnh đạo ôn, cần tiếp tục theo dõi và xử lý kịp thời, đúng phương pháp, nếu không xử lý bệnh đạo ôn hại lá triệt để nguồn bệnh vẫn còn, điều kiện thời tiết phù hợp bệnh chuyển sang gây hại trên cổ bông, cổ gié. Xử lý bệnh bằng thuốc AC Fu bim, Bump, Ban kan. Lượng dùng AC Fubim, Bump, Ban kan 2 gói/sào. Nước thuốc đã pha: 30 lít/sào (500m2). Toàn bộ diện tích lúa đã bị cháy ổ trên tất cả các giống cần được xử lý bệnh đạo ôn hại cổ bông, cổ gié khi lúa trỗ bắt đầu trỗ (5% số bông). Toàn bộ diện tích gieo cấy giống Kim Cương 90 cần được xử lý bệnh đạo ôn cổ bông, cổ gié (nếu thời tiết sáng sớm có sương mù hoặc mưa).

Với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, cần phun thuốc sớm khi bệnh mới phát sinh bằng thuốc: ARC - Clench 215WP (Sạch khuẩn), Apolits 20WP. Lượng thuốc: ARC - Clench: 2 gói/sào, Apolits: 3 gói/sào. Nước thuốc đã pha: 30 lít/sào (500m2). Chỉ xử lý thuốc khi kiểm tra đúng bệnh tránh nhầm lẫn với lúa bị khô đầu lá sinh lý do thời tiết bất thuận.

Bệnh khô vằn, xử lý sớm, đúng phương pháp bằng thuốc hoá học nội hấp, lưu dẫn như: Help 400SC, Till-Super 300EC, An Vil 5SC. Liều lượng và nồng độ theo khuyến cáo trên bao bì.

Với bệnh vàng lá sinh lý, duy trì mực nước trong ruộng 1-5 cm từ nay đến giai đoạn lúa chín sinh lý. Bón bổ sung phân kali 1-2 kg /sào (500m2). Phần đầu lá biến vàng phần còn lại xanh bình thường, cần duy trì mực nước trong ruộng 1-5cm từ nay đến giai đoạn lúa chín sinh lý. Cung cấp thêm dinh dưỡng cho lúa bằng phân tổng hợp NPK. Tất cả các lá, toàn bộ phiến lá biến vàng do tác động của yếu tố thời tiết bất lợi ở thời điểm cây lúa đang trong tình trạng khủng hoảng, thiếu về dinh dưỡng do bón ít hoặc không bón thúc lần 2…không dùng các loại thuốc hóa học trừ bệnh hoặc trừ sâu để phun. Chỉ sử dụng các biện pháp canh tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa nhanh hồi phục và phát triển bình thường từ nay đến cuối vụ, thời điểm bón phân và phun phân bón lá khi thân và lá lúa khô…

            Phòng trừ sâu bệnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của vụ lúa xuân là nhiệm vụ cấp bách, hết sức quan trọng trong thời gian này. Dự báo từ nay đến khi thu hoạch lúa Đông Xuân sẽ còn xuất hiện một số loại sâu bệnh như: Sâu năn, sâu đục thân, sâu cuốn lá, ốc bươu vàng, bệnh bạc lá, khô vằn, bệnh đạo ôn... vì thế cần sát sao hơn nữa trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra từng diện tích lúa, phát hiện sớm các loại sâu bệnh mới phát sinh để có những biện pháp phòng trừ kịp thời, đồng thời khuyến cáo mỗi hộ nông dân cần đầu tư công chăm sóc, đầu tư vốn mua phân bón, thuốc trừ sâu đảm bảo cung cấp dinh dưỡng và phòng ngừa có hiệu quả sâu bệnh hại lúa; phát hiện sớm các loại sâu bệnh và phòng trừ kịp thời, hiệu quả, không để sâu bệnh lây lan ra diện rộng. 
                                                                                      Đỗ Thị Duyên