CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Sản xuất rau an toàn hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã Thăng Long

Đăng lúc: 15:25:28 07/04/2015 (GMT+7)
100%

 Mô hình sản xuất rau an toàn bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 7 năm 2014. Đây là dự án được tỉnh hỗ trợ trong giai đoạn từ năm 2013-2015, với mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh-sạch-bền vững. Được sự quan tâm của huyện, Thăng Long chọn thôn Đại Bản quy hoạch thí điểm 3 ha để xây dựng mô hình với quy mô 44 hộ tham gia. Do điều kiện thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với trồng các loại cây rau màu; nhân dân có truyền thống thâm canh cây rau màu từ nhiều năm nay. Khi mới đưa mô hình sản xuất rau an toàn vào cũng gặp một số khó khăn do người dân đã quen với tập quán canh tác cũ, chưa biết áp dụng các tiến bộ của KHKT vào sản xuất nên còn lúng túng. Song được sự quan tâm của cấp trên; được tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn chi tiết, cụ thể cách làm mới nên người dân dần hiểu và làm theo. Bên cạnh đó thôn đã được tỉnh, huyện hỗ trợ 360 triệu đồng xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng; hỗ trợ chi phí kiểm soát; kinh phí sơ chế, đóng gói, dán tem nên người dân hăng hái, tích cực sản xuất rau màu theo phương pháp mới. Trên vùng quy hoạch người dân đã đưa vào trồng các loại rau như: bí xanh, ớt, dưa chuột... Hiện nay mô hình sản xuất rau an toàn ở thôn Đại Bản xã Thăng Long đã được Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản Thanh Hóa thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt-Gáp, (Tiêu chuẩn Việt-Gáp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2008 với các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí là: Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; An toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; Môi trường làm việc mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân; và truy tìm nguồn gốc sản phẩm-tiêu chí này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm).

            Trò chuyện với chúng tôi, bác Hoàng Văn Thuận, là một trong những hộ tham gia mô hình sản xuất rau an toàn chia sẻ: gia đình bác hiện có 2 sào đất nằm trong vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn, bác đã trồng rau cải, xu hào và cây ớt theo phương pháp mới. Bác chia sẻ: khi mới bắt đầu làm tôi cảm thấy lo lắng vì gia đình không có nhân lực để chăm sóc cho rau màu, nhưng được sự động viên của cán bộ thôn, cán bộ hội nông dân, được tập huấn kỹ thuật sản xuất mới thay cho phương thức sản xuất truyền thống thì thấy gia đình mình có thể làm được. Nhìn vườn rau sinh trưởng, phát triển tốt, một số sản phẩm khi thu hoạch đã có công ty bao tiêu nên gia đình yên tâm sản xuất.

            Trước đây người nông dân sản xuất tự do, chân không đi ủng, tay không đi găng, thấy có sâu là phun thuốc trừ sâu, bón phân tùy tiện. Nhưng giờ đây, thực hiện Đề án sản xuất rau an toàn người nông dân được tham gia tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, được cấp chứng chỉ. Từ đó họ đã biết cách bảo vệ sức khỏe của chính mình, người tiêu dùng và môi trường sinh thái. Đã biết tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt để có sản phẩm cuối cùng đến với người tiêu dùng đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người. Mô hình sản xuất rau an toàn ở thôn Đại Bản xã Thăng Long không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế cho người lao động mà cái quan trọng hơn là mô hình đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân, giúp họ hiểu rằng, trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết, sống còn để duy trì và phát triển. Từng bước xây dựng thương hiệu cho rau, quả an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và chính người sản xuất.

            Hiệu quả và lợi ích mà mô hình sản xuất rau an toàn ở Thăng Long đem lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế nên đa phần sản phẩm rau an toàn cũng đang phải bán tự do trôi nổi trên thị trường và bán lẫn với những loại rau khác, giá cả như nhau. Đây đang là bài toán cần lời giải để trả lại đúng giá trị thực cho những loại rau được sản xuất theo quy trình rau an toàn. Giải được bài toán này chúng ta mới mong có được nhiều cánh đồng rau sản xuất theo phương pháp an toàn trên địa bàn huyện.
                                                                                            Nguyễn Thơ