CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Đăng lúc: 15:00:46 12/02/2015 (GMT+7)
100%

 Phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
           Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), các tiêu chí về văn hóa giữ vai trò quan trọng. Qua gần 4 năm triển khai thực hiện, đến nay, huyện Nông Cống đã gặt hái những thành công nhất định khi gắn xây dựng NTM với xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, từ đó phát huy sức mạnh của cộng đồng dân cư chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Xác định vai trò quan trọng của yếu tố văn hóa, bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM đã định ra 2 tiêu chí quan trọng về văn hóa: tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí số 16 (thôn, bản đạt chuẩn làng văn hóa). Theo đó, đối với tiêu chí số 6, xã phải có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn của Bộ VH-TT&DL, tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt quy định của Bộ VH-TT&DL. Với tiêu chí 16, xã phải có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ VH-TT&DL. Hai tiêu chí về văn hóa có liên quan mật thiết với nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Vừa gìn giữ giá trị truyền thống, vừa tạo sự xác lập đời sống văn hóa mới cũng như góp phần nâng cao giá trị tinh thần trong đời sống nông thôn. Xác định được vai trò quan trọng của yếu tố văn hóa, huyện đã có nhiều cơ chế khuyến khích hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT. UBND huyện ban hành Đề án khai trương xây dựng làng văn hóa trên cơ sở làng truyền thống. Những chủ trương, cơ chế, chính sách đã kịp thời đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng và thu được kết quả quan trọng.

Xây dựng văn hóa trong NTM không đơn thuần chỉ là đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, rộng hơn là xây dựng con người mới trong xã hội NTM. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa phát triển mạnh gắn liền với phong trào xây dựng làng, cơ quan, đơn vị văn hóa được cán bộ, nhân dân hưởng ứng. Đảng bộ huyện đã triển khai Nghị quyết 07 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; triển khai nhiều biện pháp để đẩy lùi hủ tục, các tệ nạn cờ bạc, ma tuý, mại dâm, bạo lực, gây rối trật tự công cộng. Xây dựng, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ huyện đến cơ sở, bảo đảm tính thiết thực và bền vững. Do có sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác xây dựng gia đình văn hóa đã đạt được những thành tựu to lớn. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai đồng bộ với phong trào“chung sức xây dựng nông thôn mới”, bao gồm các nội dung thi đua: sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo, “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “gia đình, dòng họ hiếu học” ... Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương. Do đó nhiều giá trị văn hóa truyền thống được đề cao phát huy, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực. Việc phát động đăng ký và tổ chức bình xét danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm diễn ra công khai, dân chủ. Số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên. Số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa ngày càng tăng, nếu năm 2012 toàn huyện có 33.960/44.921 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa thì đến năm 2014 toàn huyện có 37.021/46.847 hộ được công nhận gia đình văn hóa chiếm 79%. Trong năm 2014 toàn huyện đăng ký khai trương xây dựng 20 thôn, làng, 33 xã văn hóa, nâng tổng số thôn làng, tiểu khu đã khai trương xây dựng văn hóa  lên 295/07, đã dược công nhận văn hóa là 174/307 đặc biệt có 4 xã đạt xã chuẩn văn hóa nông thôn mới. Đã có 126/150 cơ quan, đơn vị, trường học khai trương xây dựng văn hóa, đã công nhận và công nhận lại là 65/150

Song song với việc đẩy mạnh phong trào xây dựng "gia đình văn hóa", “làng văn hóa”, cơ quan, trường học văn hóa, xã văn hóa, công tác xây dựng thiết chế văn hóa- thể thao làng, (thôn) tiếp tục được chính quyền cơ sở quan tâm đầu tư theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn huyện có 280/307 làng (thôn) đã xây dựng đã xây dựng nhà văn hóa, trong đó số nhà văn hóa có diện tích đất xây dựng đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới là 197 nhà; số nhà có quy mô xây dựng đạt tiêu chí là 100 nhà; số làng, (thôn) trong huyện có sân thể thao là 247 sân, trong đó 190 sân đạt tiêu chí NTM.

Tuy đã có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, song trong giai đoạn hiện nay các giá trị văn hóa cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhiều xã không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc trong việc huy động kinh phí cũng như các giải pháp giữ vững các danh hiệu văn hóa. Do vậy đã đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, trong đó vấn đề cơ bản và lâu dài là phải xây dựng gia đình văn hóa, ấm no hạnh phúc, bởi vì hạt nhân của xã hội là gia đình, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Một thực tế diễn ra trong xã hội hiện nay là cùng với sự phát triển của cơ chế thị trường thì kết cấu gia đình, sợi dây liên kết truyền thống gia đình bị biến đổi và rạn nứt, dẫn đến tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn “sống vội”, “sống thử” tăng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Các giá trị tốt đẹp của gia đình như: hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới...đang có biểu hiện xuống cấp. Sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Nhiều tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập, tác động xấu vào các gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về vị trí và vai trò của văn hóa còn hạn chế. Công tác giáo dục đời sống gia đình, việc cung cấp các kiến thức làm cha mẹ, các kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được coi trọng. Nhiều gia đình do tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em. Những vấn đề trên cản trở rất lớn trong quá trình phát triển các giá trị văn hóa ở địa phương.

Trong những năm tới, để nâng cao chất lượng các giá trị văn hóa góp phần thực hiện thắng lợi chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đòi hỏi sự phối kết hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể. Trước hết, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo những tiêu chí đã đề ra. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, cơ cấu lao động nâng cao năng suất và chất lượng cuộc sống trên cơ sở đó từng bước nâng cao chất lượng gia đình văn hóa.

Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn, xây dựng làng, cơ quan, đơn vị, gia đình văn hóa. Tổ chức xây dựng gia đình phát triển bền vững, phòng chống bạo lực gia đình ở cộng đồng dân cư. Coi trọng việc giới thiệu các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đồng thời biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới là sự vun bồi cho những giá trị tốt đẹp đã và đang tồn tại, làm cho phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, khơi gợi được tinh thần, ý thức tự giác tham gia của người dân. Đây là một quá trình lâu dài, xuất phát từ nhận thức cá nhân đồng thời với việc quan tâm của các ngành, đoàn thể, hướng đến lợi ích của từng gia đình gắn với lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội. Sự quyết tâm, đồng thuận của nhân dân sẽ là đòn bẩy giúp các địa phương trong huyện sớm về đích trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
                                                                                                        Mai Trang