CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

"Nón lá Trường Giang" - Thương hiệu làng nghề truyền thống

Đăng lúc: 10:14:07 22/01/2014 (GMT+7)
100%

Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Trường Giang từ hàng trăm năm nay, với nhiều làng nón nổi tiếng như Tuy Hòa, Yên Lai… Nghề làm nón lá đã trải qua bao thăng trầm, nhưng dù thịnh hay suy mỗi người con ở mảnh đất này đều gắn bó với nghề từ tấm bé. Những thiếu nữ khi đến tuổi cập kê thường có trong tay nghề làm nón, khi theo chồng thường mang theo và phát triển nghề. Vì vậy, ban đầu làm nón chỉ có ở Trường Giang đến nay nghề đã phát triển phổ biến ở các xã lân cận trong vùng như Trường Trung, Trường Sơn, Trường Minh…

      Trước đây, nghề làm nón lá ở xã Trường Giang được xem là nghề phụ, bởi giá trị thu nhập thấp, người dân tranh thủ làm nón lúc nông nhàn chưa có sự đầu tư công sức và tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ năm 2000 trở lại đây, do nhu cầu của thị trường nên nghề làm nón lá lại trở thành nghề thu nhập chính của người dân trong vùng với 3.325 lao động, giá trị thu nhập là hơn 80 tỷ đồng/năm. Nón lá Trường Giang, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi sự thanh thoát, chắc chắn giúp che nắng, che mưa chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết. Để có được chiếc nón ưng ý đưa ra thị trường, người làm nón phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của đôi tay người thợ. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến may hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản, đưa ra thị trường. Vì thế, trong các làng nghề làm nón, sự phân công lao động được thể hiện rất cụ thể, người làm khung, người chuốt vành, người may nón... mỗi người một việc rất chuyên nghiệp. Làm khung chuốt vành là công đoạn đầu tiên quyết định độ khum, độ tròn, hình dáng, kích cỡ của chiếc nón. Khung nón được làm bằng gỗ nhẹ, có mái cong đều với nhiều kích cỡ. Vành nón được làm bằng thân tre, nứa được chẻ, chuốt tròn thanh thoát, uốn thành vòng tròn to, nhỏ khác nhau, vành to nhất có đường kính 50cm, những vành tiếp theo có đường kính nhỏ dần, mỗi chiếc nón thường có 16 vành, nhiều người vẫn ví như “16 vành trăng”-tượng trưng cho số tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ. Lá làm nón mỗi thời một khác, trước đây nón được may từ lá cọ non, được may cùng với mo nang vàu, luồng để tăng thêm độ vững chắc do đó nón thường thô và nặng, mất nhiều công nên hiệu quả kinh tế không cao. Ngày nay, may nón bằng lá dừa nước, lá được tuyển lựa xử lý qua nhiều khâu, hấp, sấy, phơi sương, ủi phẳng sao cho mặt lá giữ được màu trắng xanh mới đạt tiêu chuẩn. Tiếp đến là công đoạn lợp lá, đặt hoa văn và may lá vào vành (chằm nón). Đây là công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo để đường kim, mũi cước thẳng đều, mềm mại theo độ cong của vành nón. Nón lá sau khi hoàn tất được quét một lớp dầu bóng bằng nhựa thông pha cồn, để tăng độ bóng, độ bền, chống thấm nước rồi mới đưa ra chợ bán. Trung bình mỗi chiếc nón có giá 20.000-25.000 đồng, trong đó tiền vốn khoảng 5.000-6.000 đồng. Nếu nón làm đẹp, chất lượng thì giá có thể cao hơn. Mỗi người thợ làn nghề  mỗi ngày có thể may được từ 5-7 chiếc nón.
           Nón lá Trường Giang đã được người dân nhiều nơi xa, gần đón nhận. Nhiều năm trở lại đây, trong lúc không ít nghề truyền thống ngày bị mai một thì nghề làm nón lá ở xã Trường Giang vẫn tiếp tục phát triển, giúp hàng trăm hộ dân địa phương thoát nghèo và có cuộc sống khá giả. Nhằm chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, Trường Giang đã tổ chức cho 12 thợ lành nghề đi học làm nón Huế tại thành phố Huế, nhằm thay đổi mẫu mã, cải tiến kỹ thuật để nghề làm nón ngày càng phát triển hơn, tạo ra những sản phẩm, bền, đẹp, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, để nón lá không chỉ là vật dụng giúp con người che nắng, che mưa mà còn là một sản vật của địa phương làm quà lưu niệm mang nhiều ý nghĩa của một vùng quê chiêm trũng
         Hiện nay, nghề làm Nón lá xã Trường Giang đang phát triển mạnh với hơn 935 cơ sở lớn, nhỏ, đưa ra thị trường trên 1,5 triệu sản phẩm mỗi năm, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho hơn 85% lao động nông thôn. Tuy nhiên, sản xuất chưa tập trung, không có tổ chức; chưa có kiểm soát kỹ thuật và mỹ thuật nên chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế; giá trị sản phẩm chưa cao; quy trình quản lý từ khâu nguyên liệu đến tiêu thụ chưa định hình và thống nhất; việc tiêu thụ sản phẩm còn mang tính tự túc, tự phát…

Để khắc phục những tồn tại trên và phát triển ngành nghề truyền thống, những năm qua, huyện ta đang triển khai nhiều chương trình, đề án và kế hoạch hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm. Đã hỗ trợ một số cơ sở sản xuất Nón lá đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Xây dựng dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Nón lá Trường Giang” cho sản phẩm Nón lá huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa và bảo vệ thành công thương hiệu cấp Quốc gia cho thương hiệu “Nón lá Trường Giang”. Đây là một trong 5 dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2012-2015, tỉnh Thanh Hóa thực hiện trong ba năm 2013-2015. Mục tiêu nhằm xác lập quyền Sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể Nón lá Trường Giang. Quản lý và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu tập thể, nhằm mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ của nón lá. Thiết lập được cơ chế bảo hộ, quản lý và phát triển đối với nhãn hiệu tập thể “Nón lá Trường Giang”, nâng cao danh tiếng, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; góp phần giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo đời sống và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nón lá trên địa bàn huyện.
         Để giải bài toán phát triển Thương hiệu “Nón lá Trường Giang” cùng với việc cải tiến, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, Huyện đã và đang triển khai các phương án như: thành lập Hiệp hội sản xuất Nón lá Trường Giang nhằm xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể. Tổ chức các Hội thảo khoa học, tập huấn, phổ biến và thống nhất phương án xây dựng nhãn hiệu tập thể. Xây dựng phương án khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể Nón lá Trường Giang như: giới thiệu sản phẩm Nón lá Trường Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng hình ảnh nhãn hiệu, đặt các pano quảng cáo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tại các điểm du lịch...Thiết kế và in ấn các tờ rơi giới thiệu sản phẩm. Quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ thương mại, Hội chợ triển lãm  hàng năm của tỉnh Thanh Hóa. Xây dựng các phương án khai thác, thiết lập và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm Nón lá Trường Giang: các hoạt động xúc tiến bán hàng tại các khu du lịch, siêu thị, các chợ, trung tâm thương mại, các đại lý tiêu thụ và cửa hàng bán buôn trong tỉnh, khu vực trong và ngoài nước. Lựa chọn một số doanh nghiệp kinh doanh có kinh nghiệm để làm đại lý tiêu thụ, đảm bảo “đầu ra” cho sản phẩm.
        Dự án thực hiện có hiệu quả, “Nón lá Trường Giang” là sản phẩm làng nghề đầu tiên của người dân Nông Cống được công nhận là một thương hiệu Việt, đồng thời là mô hình mẫu để nhân rộng cho các sản phẩm hàng hóa truyền thống của huyện nhà./.
                                                                                                                 Mai Trang