CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Người đi tìm cây cho đất

Đăng lúc: 13:22:47 10/09/2015 (GMT+7)
100%

Nhắc đến xã Trường Minh người ta thường nghĩ đến một xã thuần nông. Mấy ai biết rằng ở nơi mảnh đất chim khê mùa úng này lại có những vườn cây ăn quả với những giống cây nổi tiếng như: Nhãn lồng Hưng Yên, Bưởi Cầu Diễn, Dừa xiêm lửa Bến Tre, Thanh Long ruột đỏ Ninh Thuận...Đến thôn Thạch Lãng, xã Trường Minh hỏi thăm gia đình ông Trịnh Văn Toàn người ta biết ngay là ông Toàn tìm cây, bởi cuộc đời ông luôn gắn với những chuyến đi, nay đây mai đó chỉ với mục đích “xem người ta làm và bắt chước người ta”.

              Là một nông dân thực thụ, ông đã từng cay đắng thốt ra rằng không thể sống tốt với nghề làm lúa nước. Theo sau con trâu, cái cày cùng mấy sào ruộng không thể duy trì cuộc sống, nuôi con ăn học thành đạt, huống chi đưa kinh tế gia đình phát triển. Sau nhiều trăn trở, gia đình ông quyết định Nam Tiến với suy nghĩ mảnh đất phương nam sẽ là vùng đất hứa để ông bắt đầu sự nghiệp. Tuy nhiên, với một người nông dân vào thành phố công nghiệp làm gì để có thể tồn tại. Sau một thời gian trải nghiệm cuộc sống nơi xứ người, đi nhiều nơi, tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người nông dân, ông lại quyết định trở về với mảnh đất Trường Minh, với một tâm niệm phải bắt đầu từ mảnh đất quê hương mình chứ không phải đâu xa. Ông nghĩ người có thể phụ đất, chứ đất không phụ công người. Với diện tích đất hiện có của gia đình, (phần lớn là diện tích mặt nước) ông mua thêm diện tích ao hồ cạnh chân đê để cải tạo thành trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi. Để có được trang trại như ngày hôm nay ông đã đầu tư phần lớn công sức cho việc cải tạo mặt nước thành đất thịt. Phần diện tích mặt nước còn lại ông nuôi cá, thả vịt, kết hợp trồng lúa. Phần diện tích đất vườn trồng cây ăn quả. Ông tìm đến với mảnh đất Hưng Yên, vùng đất nổi tiếng với trái nhãn lồng. Từ những trải nghiệm của bản thân cùng với những kiến thức tự học, năm 2011 ông quyết định trồng thử nghiệm 20 gốc nhãn lồng. Sau 2 năm số nhãn trên ra hoa và kết trái. Cây nhãn Hưng Yên trên đất Trường Minh cho trái nhiều, to, mọng, vị ngọn đậm. Tuy đang trong thời gian thử nghiệm nhưng mỗi gốc nhãn chiếm khoảng 3m2 - 5m2 đất cũng cho 30 đến 40 kg quả, với giá hiện tại gia đình ông thu cả triệu đồng trên một gốc nhãn. Khi được hỏi về lý do trồng loại cây này ông nói: “Mình có thị trường dân ta thường bán cả gần 10 kg thóc để mua 1 kg nhãn, tại sao thay vì trồng lúa ta không thử trồng nhãn”. Với việc trồng thí nghiệm loại cây này và bước đầu đã cho kết quả, mảnh đất Trường Minh có thể trồng nhãn lồng cho năng suất, chất lượng cao. Ông mong muốn có nhiều người nông dân như ông, dám thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tìm đến những loại cây mới, con mới để tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Ông chia sẻ về kinh nghiệm trồng cây nhãn lồng Hưng Yên. Trước tiên người trồng phải cải tạo đất bằng cách đào bồng, ủ đất với phân chuồng và vôi bột để xử lý đất và mầm bệnh, khâu quan trọng là tìm mua đúng giống nhãn lồng Hưng Yên, khâu chăm sóc rất đơn giản, thường xuyên tưới nước, bón phân theo định kỳ, tỉa cành sau khi thu hoạch...

Bên cạnh việc trồng thí điểm cây nhãn lồng Hưng Yên, ông Toàn tìm đến Cầu Diễn Hà Nội, quê hương của giống bưởi Diễn - thứ quả tiến vua nổi tiếng xưa nay. Sau khi tìm hiểu về khí hậu và đất đai cũng như kỹ thuật trồng giống cây ăn quả này ông quyết định mua 30 cây giống về trồng thử nghiệm. Sau 2 năm cây bưởi cho quả bói. Quả sai, độ đường cao, chất lượng bưởi tốt. Ông chọn giống bưởi cho quả trái vụ, bưởi chín vào dịp tết Nguyên Đán, nên hiệu quả kinh tế cao. Mỗi gốc bưởi chiếm khoảng 5m2 đất, mỗi cây cho cả trăm quả, bưởi bán vào dịp tết có giá từ 50.000 đến 60.000/cặp, như vậy mỗi cây bưởi ông thu về từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. Theo kinh nghiệm của ông Toàn, trồng bưởi Diễn không khó nhưng để có năng suất, chất lượng cao, cần chăm sóc đúng kỹ thuật. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây. Chú ý khi cây bưởi đang hình thành quả không nên tưới nhiều nước để cây tập trung dinh dưỡng vào quả, vị ngọt sẽ đậm hơn và màu sắc đẹp hơn. Cây bưởi hay bị sâu vẽ bùa, nấm, sâu đục thân… gây hại, vì vậy chủ động phòng trừ. Khi cây đậu quả phun thuốc phòng ruồi vàng, nếu ruồi châm vào bưởi sẽ bị đốm, nhạt, mã xấu, giá thành giảm. Để bền cây và bảo đảm năng suất ổn định, mỗi cây không nên để quá nhiều quả. Với việc trồng thí điểm giống bưởi diễn thành công ông dự định sẽ nhân rộng mô hình trồng loại cây này.

Với đặc thù vùng đất chân đê nhiều ao hồ ông nghĩ ngay đến việc trồng cây dừa xiêm lửa, loại cây trồng có nguồn gốc từ quê hương Bến Tre. Để thực hiện ý tưởng ông trồng thí điểm 30 cây dừa xiêm lửa quanh bờ ao. Mặc dù chưa cho trái bói nhưng cây dừa sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó ông còn trồng thí điểm cây Thanh long ruột đỏ, sau 2 năm trồng cây ra hoa nhiều, quả to, ngọt, đây cũng là giống cây hứa hẹn ở vùng đất này.

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, ông Toàn cho biết: với những giống cây như Nhãn lồng Hưng Yên, Bưởi Diễn, ông sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng, sắp tới ông cho cải tạo diện tích mặt nước để mở rộng thêm diện tích đất trồng, ông đang nghiên cứu đặc tính và kỹ thuật trồng giống cam Vinh, ông sẽ thí điểm giống cây này để mở rộng hướng đi cho việc trồng nhiều loại cây mới trên cùng một vùng đất. Ông Toàn trăn trở, dân ta chưa thực sự khai thác hết diện tích đất trồng, vẫn còn nhiều diện tích bỏ hoang, nhiều vườn tạp, trong khi đó người dân thường phải bán rất nhiều kg lúa để mua một kg trái cây mà không chắc chất lượng có được đảm bảo hay không. Vì thế trong thời gian qua ông luôn tìm đường và tình nguyện làm “chuột bạch” nhằm tìm ra những giống cây phù hợp với đồng đất quê mình, mong muốn từ đó người dân thay đổi tư duy sản xuất, du nhập những cây trồng mới, con nuôi mới để phát triển kinh tế gia đình.

Khi được hỏi về các con, ông Toàn có vẻ đăm chiêu, cái đăm chiêu của con người trải qua nhiều sóng gió và đã ở bên kia đỉnh dốc. Ông nói, các con ông ai cũng có công ăn việc làm, song không ai ở quê, tất cả đều ở trong nam. Ông luôn nỗ lực trong việc tìm hướng đi phát triển kinh tế. Với ý muốn biến khu trang trại nhà mình thành khu vườn hội tụ các loại cây trái bốn mùa, ngoài mục đích phát triển kinh tế ông còn muốn tạo ra sức hút từ chính mảnh đất này để níu chân các con ông, dù chúng có đi xa nhưng luôn muốn trở về quê hương.