CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Mong lắm một cây cầu

Đăng lúc: 12:31:08 05/11/2015 (GMT+7)
100%

Làng Hùng Sơn, xã Tượng Văn hiện có 52 hộ dân với 240 nhân khẩu, nằm dưới chân Núi Nga, bên cạnh nhánh Sông Thị, giáp làng Yên Tôn, huyện Tĩnh Gia. Từ trung tâm xã Tượng Văn muốn đi vào làng chỉ có một con đường duy nhất là đi qua cây cầu tạm hết sức nguy hiểm nối giữa hai bờ sông này. Từ rất lâu người dân Tượng Văn vẫn mong có một cây cầu vững chãi để đi lại được thuận tiện, song đó vẫn chỉ là ước mơ.

                  Người dân ở đây cho biết lòng sông sâu đến 9 mét, nước sông luôn đầy ắp quanh năm, việc đi lại đều dùng bằng đò. Khổ nhất là các cháu nhỏ đến trường rất khó khăn do không có đường đi lại. Nhận thấy những khó khăn vất vả của người dân nơi đây, năm 1998, bác Nguyễn Thế Lý đã tự đứng ra làm một cây cầu để nhân dân đi lại được thuận tiện. Cầu được bắc sơ sài với 4 cái thuyền xi măng dàn đều, bên trên đặt những thanh tre và gỗ nối với nhau bằng dây thép. Cây cầu chỉ dài khoảng 50m, rộng gần 2m, dựa hoàn toàn vào 4 cây cọc đóng ở hai đầu bờ sông. Trao đổi với chúng tôi Bác Lý tâm sự: Gia đình bác có 5 người con 2 trai, 3 gái, nhưng 2 người con trai đầu đều thất học vì những năm cuối 80, đầu 90 đi học phải qua đò, khó khăn và nguy hiểm nên đành phải nghỉ, càng nghĩ càng buồn cho các con, các cháu thời buổi này mà không biết mặt chữ, rồi tương lai sau này sẽ ra sao, người dân làng Hùng Sơn sẽ như thế nào? Chính vì điều đó mà Bác nuôi ý chí làm một cây cầu phao phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Lúc bấy giờ, bố mẹ cho Bác 6 gian nhà gỗ, Bác tháo cả ra lấy gỗ làm cầu rồi chống nhà bạt để vợ con ở tạm. Khi làm cầu, ngoài nguyên vật liệu trên, Bác vay mượn đầu tư số tiền 43 triệu đồng. Việc làm của Bác bị gia đình, người thân kịch liệt phản đối, song Bác vẫn quyết tâm mong muốn đem lại sự đổi thay cho vùng đất Hùng Sơn từ việc làm cầu phao.

        Đứng ở đầu cầu quan sát cũng có thể thấy được sự nguy hiểm, cứ mỗi lần có người bước lên là chiếc cầu phao đung đưa như muốn hất cả người và đồ xuống sông. Rùng mình nhất phải kể đến mỗi lúc tan học, học sinh ở trong làng lại đua nhau qua cầu Cóc về nhà. Cầu quá hẹp nên mỗi lần thấy có người dắt xe máy lên cầu là tất cả ở hai đầu cầu phải đứng đợi cho xe qua hẳn thì người khác mới dám lên, bởi nếu cùng ngược, xuôi trên cầu thì rất dễ rơi xuống sông. Ngày nắng đã đành, ngày mưa thật khó đi lại trên cầu. Đặc biệt, với các em học sinh vì theo đuổi con chữ, ngày nào các em cũng phải hai lối qua cầu tới trường thật khó khăn vất vả và hiểm nguy. Vào mùa mưa lụt, nước lên cao, bác Lý trông cầu phải rút cầu cột vào bờ, nếu không cầu lại trôi đi mất. Không có cầu, người dân lấy thuyền thúng chở học sinh qua sông đến trường, mỗi thuyền chở đến gần chục em. Nếu nước chảy quá xiết, thuyền không qua được, các em đi vòng sang Tĩnh Gia quảng đường dài thêm 3 đến 4 cây số. 

Nhân dân xã Tượng Văn rất muốn có một cây cầu đi lại cho an toàn, không chỉ riêng người dân làng Hùng Sơn mà cả những người dân trong xã và các huyện lân cận đi lại được thuận tiện, dễ dàng giao thương giữa các vùng giúp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nơi đây. Song kinh phí xây dựng một cây cầu quá lớn, nằm ngoài ngân sách của xã. Địa phương đã kiến nghị lên cấp trên, được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt và có dự án xây dựng cầu với kinh phí là 12,5 tỉ đồng, dự định đầu năm 2010 sẽ xây cầu cho dân đi lại. Nhưng sau đó việc xây dựng cầu bị tạm hoãn lại do ngân sách của tỉnh phải tiết giảm. Vì thế, đến nay, cây cầu vẫn chỉ là ước mơ và sự mong mỏi của người dân làng Hùng Sơn, xã Tượng Văn nói riêng và nhân dân các vùng lân cận nói chung. Chúng tôi mong rằng trong một thời gian không xa làng Hùng Sơn sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp các ngành để dự án xây dựng cầu sẽ thành hiện thực để người dân đi lại thuận lợi, an toàn.

                  Hoàng Yến