CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Lễ hội truyền thống làng văn hóa Đông Cao.

Đăng lúc: 15:25:28 07/04/2015 (GMT+7)
100%

Ðã thành lệ, hàng năm cứ vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch, nhân dân trong làng, trong xã, con em xa quê, du khách thập phương lại nô nức trở về tham dự lễ hội truyền thống làng văn hóa Đông Cao để tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc khai quốc công thần có công chống giặc ngoại xâm xây dựng, bảo vệ xóm làng và cùng hoà mình vào các trò chơi dân gian độc đáo.

 Đông Cao là vùng đất địa linh nhân kiệt. Theo sử sách, sau hội thề Lũng Nhai nghĩa quân Lam Sơn tổ chức lực lượng chống quân Minh. Ba vị Khai quốc công thần Đinh Lễ, Đinh Bộ, Đinh Liệt đã trở thành những dũng tướng kiên cường. Đinh Lễ, Đinh Bộ dọn đường bằng chiến thắng Đa Căng, tham gia chiến đấu trong trận Bộ Lạc, bao vây thành Trà Long kiên cố buộc địch phải đầu hàng. Đinh Liệt mang quân giải phóng ải Khả Lưu, hạ trấn Đô Lương, diệt đồn Phú Lễ, giải phóng Thổ Chu, Tùng Lĩnh, tạo nên một hậu phương vững chắc về nhân tài, vật lực từ đó phát triển lực lượng về phía nam giải phóng Bình Thuận, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến quân ra bắc, giải phóng hoàn toàn đất nước.

Khi đất nước sạch bóng giặc Đinh Liệt làm quan dưới thời Lê, phò tá qua các đời vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông. Ông đã có công dẹp loạn nghi dân đưa Lê Tư Thành lên ngôi (tức là vua Lê Thánh Tông),  giúp Vua trị vì đất nước, là một minh quân xây dựng đất nước thái bình, hưng thịnh bậc nhất thời Lê. Ông làm việc triều chính nghiêm minh, chính trực, hết mực thương dân. Ông được phong tới tước vị Thái Sư kiêm Thái Tử Thái Sư Lân Quốc Công, được ban ấn vàng, sách vàng. Ông mất ngày 13 tháng giêng năm Giáp Thìn 1484, thọ 85 tuổi. Vua Lê Thánh Tông đã tặng ông Bài ngọc khắc 4 chữ “Vĩnh Thùy Bất Hủ” và được phong lộc điền. Mùa thu năm 1485 người con cả của ông là Đinh Công Đột làm quan đến chức Thượng Thư Bộ Binh đã chọn đất xây dựng thái ấp gọi là làng Đống Cải, tức là làng Đông Cao ngày nay. Ông lập đền thờ để tưởng nhớ đến công ơn của ba vị khai quốc công thần Đinh Lễ, Đinh Bộ, Đinh Liệt, ngày nay người dân làng Đông Cao vẫn thờ các ông tại ngôi đình là di tích lịch sử đã được nhà nước công nhận. Trải qua hơn 500 năm lịch sử, họ Đinh ở làng Đống Cải xưa đã cùng với anh em ở các dòng tộc khác về đây an cư lập nghiệp, cùng đoàn kết, chống chọi với thiên tai địch họa cùng nhau lao động sản xuất, xây dựng xóm làng.

Làng Đông Cao cũng là điểm khởi đầu cho phong trào xây dựng làng văn hóa và được công nhận làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa vào năm 1997. Đông Cao là mốc đánh dấu phong trào xây dựng làng văn hóa trong cả nước và trở thành cái nôi của phong trào này. Sau hơn 20 năm xây dựng làng văn hóa, diện mạo của làng quê đã có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được nâng cao, nhân dân Đông Cao đang cùng nhân dân xã Trung chính đang nỗ lực xây dựng thành công xã nông thôn mới.

Từ nhiều năm nay, nhân dân làng Đông Cao lấy ngày 13 tháng giêng Âm lịch (là ngày giỗ của Thái sư Đinh Liệt) hàng năm là ngày lễ hội truyền thống làng văn hóa Đông Cao, một hoạt động văn hóa không thể thiếu của người dân nơi đây. Tại Lễ hội, bên cạnh các hoạt động tế lễ và ôn lại truyền thống của quê hương qua các thời kỳ cách mạng, người dân làng Đông Cao trên khắp mọi miền đất nước còn tụ họp tại làng để tham gia các hoạt động văn hóa đặc sắc như bơi thuyền truyền thống, bóng đá, kéo co, cờ tướng và giao lưu văn nghệ...

Ngày hội làng là dịp để con cháu của làng hiểu sâu sắc hơn về cuội nguồn, truyền thống anh hùng của tổ tiên, truyền thống cách mạng của quê hương để tiếp tục bồi đắp thêm tình làng nghĩa xóm, cùng nhau phấn đấu, rèn luyện, học tập, công tác góp phần xây dựng quê hương ngày một văn minh giàu đẹp.
                                                                                              Mai Trang