CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Làng Hương nhộn nhịp vào mùa Tết.

Đăng lúc: 15:00:46 12/02/2015 (GMT+7)
100%

                  Về thôn Quyết Thắng, xã Vạn Thắng những ngày cuối năm, mùi Hương thơm tỏa đi muôn nẻo, những ngày đông hanh hao, người dân phơi hương trên những khuôn tre ven đường khiến không khí tết càng rộn ràng ngõ xóm.

Nghề làm Hương đã được lưu giữ ở mảnh đất này hàng trăm năm nay, xuất phát đầu tiên từ làng Bái Hạ (làng Giản Hiền ngày nay). Trước đây nghề làm hương chủ yếu theo kiểu thủ công truyền thống, số lượng sản phẩm làm ra được ít, thu nhập không cao, nên số người theo nghề ngày càng giảm, dần dần nghề làm hương đã bị thất truyền ở làng này. Một số hộ dân ở thôn Quyết Thắng, Tân Sinh, Tân Đạo đã học được nghề, ban đầu chỉ có vài ba hộ làm, dần dần đã phát triển, trở thành nghề đem lại thu nhập tương đối ổn định cho người dân, số hộ theo làm nghề ngày càng nhiều. Hiện nay, xã có nhiều hộ làm hương với quy mô lớn, đầu tư máy móc, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, cung cấp một lượng hương lớn phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán và các hoạt động lễ hội đầu xuân cho các huyện trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận.

Trước đây, người Vạn Thắng chỉ làm Hương vào những lúc nông nhàn nhưng tập trung nhiều chủ yếu là 2 tháng gần tết để cung cấp hương tết, một năm mỗi gia đình làm chỉ được vài, ba vạn hương. Nhưng hiện nay Hương được làm quanh năm, làm nhiều nhất là vào khoảng tháng 8 âm lịch cho tới tháng 2 năm sau, một năm mỗi hộ gia đình cho ra hàng trăm vạn hương cung cấp nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Theo người dân nơi đây, để cho ra một mẻ hương tốt phải đặc biệt chú ý đến khâu tuyển chọn nguyên liệu, nguyên liệu làm hương chủ yếu là những cây cỏ thiên nhiên, trong đó có cây Bài là nguyên liệu chính để làm nên thương hiệu hương Bài nổi tiếng xưa nay. Quy trình sản xuất hương được thực hiện rất bài bản theo từng công đoạn, đầu tiên là công đoạn chuẩn bị nguyên liệu thô, người sản xuất phải trộn nhựa trám với bột than tồn tính, tạo nên hỗn hợp khô, dẻo quánh như nhựa đường, mía và rễ cây bài cũng được phơi khô, nghiền nhỏ và trộn đều. Tăm tre được nhúng với hỗn hợp than và nhựa trám, lăn đều qua hỗn hợp mía và rễ hương, sau đó được ép bằng máy. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ, những que hương làm ra đều tăm tắp. Nén hương làm xong được đem phơi trên giàn, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Trời nắng thì phơi một ngày, trời râm thì hai, ba ngày. Nhờ có bí quyết riêng nên hương Bài Vạn Thắng luôn có độ bắt lửa đặc trưng, mùi thơm dịu, nhẹ thanh, không sực nức, lại phảng phất rất lâu nên sức tiêu thụ mạnh.

Đến thăm cơ sở sản xuất hương Duân Duyên, thôn Quyết Thắng chúng tôi thấy không khí tết như đã đến gần, mùi hương bài, các nguyên liệu làm hương thơm lừng, các lao động đang tất bật người đếm hương, người đóng gói, phân loại hương chuẩn bị đưa đi tiêu thụ khắp mọi miền đất nước từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa... chuẩn bị cho mùa lễ hội đang đến gần. Trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Duyên, chủ cơ sở sản xuất chị cho biết: gia đình chị theo nghề làm hương đã từ rất lâu, trước đây sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ nên khó tìm thị trường tiêu thụ, song những năm gần đây trước nhu cầu về hương ngày càng lớn do hoạt động lễ hội ngày càng phát triển, lượng hương gia đình làm ra không kịp,  nên gia đình chị đã mua máy về làm vừa giảm công lao động, lại tăng thu nhập cho gia đình. Hiện nay với giá bán từ 15-30 nghìn đồng/trăm tùy từng loại hương. Trừ chi phí, hàng năm gia đình chị thu về từ 60-70 triệu đồng. Nghề làm hương không chỉ mang nét đẹp văn hóa tâm linh mà còn đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân nơi đây, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên thành hộ khá giả, hộ giàu.

Trao đổi với ông Ngô Thọ Long, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Thắng ông cho biết: nghề làm hương là nghề truyền thống trên mảnh đất này, không chỉ là nghề tạo công ăn việc làm cho người dân lúc nông nhàn, mà hiện đang trở thành nghề đem lại thu nhập cao cho người dân. Sản phẩm Hương Bài Vạn Thắng đã được đưa đi giới thiệu sản phẩm tại hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống tại Thành phố Thanh Hóa, là sản phẩm được nhiều người tin dùng. Để giữ gìn và tiếp tục phát triển  nghề truyền thống, xã đã vận động, tuyên truyền nhân dân học nghề, mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần cùng với xã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội, phấn đấu xây dựng thành công xã nông thôn mới. Tuy nhiên để khẳng định thương hiệu, duy trì và phát triển nghề làm hương truyền thống, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ vốn để mở rộng quy mô sản xuất cũng như khuyến khích người dân áp dụng khoa học công nghệ góp phần hiện đại hóa làng nghề.

Tết Nguyên đán đã cận kề, đây cũng là thời điểm sản xuất sôi động, các hộ dân tập trung sản xuất hương phục vụ nhu cầu của thị trường trong và sau tết. Đây cũng là dịp để Hương Bài Vạn Thắng lại tỏa đi khắp nơi, mang theo hương vị quê hương  đi khắp mọi miền Tổ quốc./.
                                                                                                           Phạm Thị Minh