CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Huyện Nông Cống với công tác bảo vệ môi trường

Đăng lúc: 14:18:21 13/01/2014 (GMT+7)
100%

Thời gian qua, huyện Nông Cống đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường (VSMT), coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

              Huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ môi trường (BVMT), như: Ban hành nghị quyết về tăng cường công tác BVMT giai đoạn 2010-2015, đề án về BVMT giai đoạn 2011-2015; tổ chức các chiến dịch tổng VSMT; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ ra quân hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện đề án BVMT của huyện, với mục tiêu 100% các xã, thị trấn trong huyện xây dựng được bãi tập kết rác và 100% các thôn, làng thành lập được các tổ thu gom rác thải sinh hoạt. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được trên 125 tổ thu gom rác/332 thôn, làng; 13 xã và thị trấn đã tổ chức được 100% các thôn có tổ thu gom rác thải. Qua đó, các điểm ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm môi trường được giải quyết cơ bản, các tuyến đường liên thôn, liên xã được làm vệ sinh, nhiều km kênh mương, rãnh thoát nước được khơi thông.

Huyện cũng đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy nội lực, nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường; thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và VSMT gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hội phụ nữ đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, gắn với tiêu chí “Nhà sạch, vườn đẹp”; tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho nhân dân về VSMT. Các xã phát động và tổ chức cho các thôn, làng ký giao ước thi đua với nhiều hoạt động thiết thực, như khơi thông cống rãnh, duy trì tổ thu gom rác thải, tổ chức “Ngày thứ 7 tình nguyện”, xóa điểm đen về môi trường, làm nhà vệ sinh, đào hố chứa rác; nhiều xã đã trang bị các thùng đựng chai lọ, túi đựng hóa chất trên các cánh đồng... Huyện đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác BVMT, như: hỗ trợ 20% giá trị đầu tư xây dựng lò đốt cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xây dựng lò đốt rác thải; hỗ trợ gia đình chăn nuôi gia trại xây dựng hầm bioga 800.000 đồng/hầm; khuyến khích việc thành lập các công ty, HTX, tổ đội về cung cấp nước sạch và VSMT, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ rừng và xử lý ô nhiễm môi trường; xây dựng, tổ chức tốt phong trào toàn dân tham gia BVMT, phong trào: “Xây dựng công sở, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, làng xóm, khu phố xanh - sạch - đẹp”. Đưa nội dung VSMT vào tiêu chuẩn bình xét làng văn hóa; gia đình, cơ quan văn hóa và trong công tác thi đua khen thưởng. Ở một số xã, các tổ chức đoàn thể đã đăng ký lấy tiêu chí môi trường làm tiêu chí thi đua trong XDNTM, đã có nhiều đoạn đường được các tổ chức hội đảm nhận tự quản về BVMT.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn đã chú trọng đến công tác BVMT, thực hiện việc đăng ký cam kết BVMT, đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đến nay, đã có 51 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện tiến hành lập ĐTM, đề án BVMT, cam kết BVMT và đã được phê duyệt. Hàng năm, UBND huyện tiến hành các đợt kiểm tra công tác BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, nên hạn chế tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường. Tại các bệnh viện, sau khi phân loại, rác thải y tế được xử lý trong lò đốt, rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển về bãi rác Hồ Mơ của huyện.   

Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 250 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó đã xây dựng được 115 hầm biogas, nhiều trang trại được xây dựng theo mô hình vườn - ao - chuồng nên hầu như không có chất thải chăn nuôi thải trực tiếp ra môi trường. Phần lớn các hộ gia đình đều được dùng nước sạch, hợp vệ sinh, các công trình vệ sinh được người dân đầu tư xây dựng kiên cố, bảo đảm VSMT. Mỗi gia đình đều có hố chứa rác, dụng cụ đựng rác thải, người dân đã có ý thức phân loại rác thải sinh hoạt và rác thải rắn trước khi rác được thu gom về bãi xử lý; tình trạng xả rác thải bừa bãi, vứt rác, xác động vật xuống sông giảm đáng kể. Tuy nhiên, để giải được bài toán VSMT nông thôn trên địa bàn huyện là một quá trình lâu dài. Trong thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giữ môi trường.

(Nguồn "Báo Thanh Hóa điện tử")

            Mai Trang

(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nông Cống)