CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Hội LHPN Minh Thọ đẩy mạnh phát triển nghề tạo cơ hội cho phụ nữ thoát nghèo

Đăng lúc: 14:53:14 03/06/2015 (GMT+7)
100%

Thời gian qua, cùng với nhiều biện pháp hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình như: hỗ trợ vay vốn, tư liệu và kinh nghiệm sản xuất… công tác đào tạo nghề ngắn hạn, giải quyết việc làm cho hội viên được Hội Phụ nữ xã Minh Thọ đặc biệt quan tâm, giúp chị em có thêm việc làm, tăng thu nhập,cải thiện đời sống.

                       Minh Thọ vốn là một xã thuần nông, ngoài cấy lúa, trồng rau màu, người dân nơi đây không có nghề phụ gì khác. Một năm ngoài hai vụ lúa, một số hội viên có sức khỏe tìm kiếm được việc làm thời vụ ở một vài nơi, số còn lại là lao động nông nhàn, không có việc làm, không có thêm thu nhập, vì thế đời sống của nhiều hội viên còn gặp nhiều khó khăn. Được sự chỉ đạo của Hội LHPN huyện về triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã đã tham mưu với lãnh đạo địa phương; khảo sát các mô hình làng nghề hoạt động hiệu quả để áp dụng, triển khai đến chị em phụ nữ trong xã. Nhận thấy nghề mây tre đan khá phù hợp với tình hình và hoàn cảnh của các chị em vì thời gian đào tạo ngắn, nhiều đối tượng có thể tham gia làm nghề, đầu ra tương đối ổn định, đem lại thu nhập cho chị em, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Hội Phụ nữ xã đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các lớp chuyển giao KHKT, đào tạo nghề do Hội LHPN huyện tổ chức, đấu mối mở các lớp dạy nghề cho hội viên phụ nữ trong xã.

Đầu năm 2012 nghề mây tre đan được du nhập vào Minh Thọ. Ban đầu chỉ một số thôn làng trong xã có chị em tham gia làm nghề, dần dần nhận thấy đây là nghề dễ làm, phù hợp với sức khỏe của chị em phụ nữ, không phải bỏ vốn đầu tư ban đầu, lợi nhuận sẽ được tính theo số lượng sản phẩm làm ra trong ngày, đầu ra được đảm bảo ổn định... chính điều này đã thu hút đông đảo hội viên phụ nữ và người dân trong xã tham gia học, phát triển nghề. Đến nay, Minh Thọ có 11/11 thôn trong xã đều có hội viên làm nghề mây tre đan, thu hút trên 200 lao động thường xuyên gắn bó với nghề. Thu nhập bình quân một người mới học nghề khoảng 600 nghìn đồng/tháng, những người thuộc nghề có thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Nhiều hội viên đã thực sự thoát nghèo, có thể cất được những ngôi nhà khang trang trị giá trên 100 triệu đồng từ nghề TTCN.

Không chỉ phát triển nghề trên địa bàn Minh Thọ, hội phụ nữ xã còn chọn những người có tay nghề giỏi làm giáo viên, đấu mối tổ chức dạy nghề cho hội viên phụ nữ các xã trong huyện có nhu cầu học nghề như: Tế Lợi, Tế Thắng, Minh Khôi, Minh Thọ, Trường Sơn, Tượng sơn, Vạn Hòa, Thăng Long, Tượng Sơn, Yên Mỹ... đây cũng là cơ hội để mở rộng, phát triển nghề, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hội viên trong toàn huyện.

Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch hội phụ nữ xã Minh Thọ cho biết: Ngoài các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế theo chỉ đạo của hội cấp trên, hội phụ nữ xã còn mạnh dạn tìm hiểu và chọn nghề phù hợp để vận động, tuyên truyền chị em hiểu và làm. Mặc dù là nghề phụ, lại mới được phát triển ở Minh Thọ chưa lâu nhưng đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong lúc nông nhàn, giúp họ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Tuy mức thu nhập không cao song với những chị em ở vùng nông thôn thì đây là khoản thu nhập đáng kể cho gia đình lúc nhàn rỗi. Phát triển và nhân rộng nghề TTCN trên mảnh đất nghèo là một hướng đi đúng như một luồng gió mới đang từng ngày làm thay da đổi thịt bộ mặt nông thôn trong xã.

Trong thời gian tới, hội phụ nữ xã tiếp tục đấu mối mở thêm các lớp chuyển giao KHKT, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhiều hội viên ở các xã chưa có nghề phụ. Đồng thời, tham mưu cho lãnh đạo địa phương đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, kinh phí đào tạo; kịp thời có những chính sách hỗ trợ, động viên, khuyến khích để người dân có thể yên tâm gắn bó với nghề lâu dài; phấn đấu thành lập HTX Tiểu thủ công nghiệp do phụ nữ làm chủ tại xã Minh Thọ, tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho hội viên và nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội huyện nhà.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hội phụ nữ xã Minh Thọ quyết tâm duy trì, tiếp tục đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ và người dân không có điều kiện đi làm ăn xa nhằm tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, tạo đà cho chị em phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
                                                                               Phạm Minh