CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Hoa đào ngày tết trong tâm thức người Việt

Đăng lúc: 15:00:46 12/02/2015 (GMT+7)
100%

Không biết tự bao giờ, đất trời đã dành sự biệt đãi cho hoa đào, để rồi loài hoa ấy trở thành hồn cốt, phong vị đặc trưng không thể thiếu mỗi độ tết đến xuân về. Ngày nay, cùng với sự giao thoa văn hóa ở 2 vùng miền, dẫu người miền Bắc có mua hoa mai về chơi tết thì trong nhà, ngoài vườn cũng không thể thiếu được cành đào đỏ thắm như một tập quán văn hóa, tâm linh...

Không biết sở thích chơi hoa đào ngày tết có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ xa xưa hoa đào đã gắn chặt với tết, tô thắm và làm ấm cúng hơn không khí đón xuân trong mỗi gia đình. Chơi hoa đào lâu nay vẫn được xem là nét đẹp văn hóa tâm linh trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc, một thú chơi thanh tao, rất đơn giản nhưng cũng thật cầu kỳ. Đơn giản vì chỉ cần chọn lấy một trong cả trăm, ngàn cành là có hoa đào chơi tết, còn cầu kỳ chính là ở chỗ phải lựa chọn sao để có được một cành đào đẹp, giá không quá cao và phù hợp với không gian được bài trí. Nếu như ở phương Nam hoa mai được xem là biểu trưng cho sức sống mùa xuân rực rỡ, nồng nhiệt thì cây đào phương Bắc lại biểu thị một nét đẹp nền nã, kín đáo, ấm áp và bền lâu giống như tính cách sôi nổi và thâm trầm của cư dân 2 miền. Có lẽ cũng chính vì phong vị riêng có của mình đối với ngày tết nên hoa đào mang một vẻ đẹp rất riêng, vẻ đẹp đó được toát lên từ sự khẳng khiu của cành, cái sù sì của thân, đến cái đẹp phơi phới của hoa...tất cả đều mang triết lý sâu xa. Một cây đào bích hoặc đào phai từ khi khai nụ cho đến hết mùa hoa có khi kéo dài trong cả mùa xuân, khơi gợi trong lòng người bao xúc cảm cũ xưa và tươi mới, để rồi cứ mỗi độ tết đến, xuân về, những đào thế, đào phai với đủ sắc màu, kiểu dáng lại đến với mọi nhà bằng những nẻo đường riêng trong quan niệm văn hóa tâm linh, trong nỗi niềm tâm sự riêng tư và có khi đó là sự hoài cổ hay đơn giản là một thoáng hương vị đặc trưng tết cổ truyền đã có từ ngàn đời của dân tộc…

Từ xa xưa cây đào được xem là tinh hoa của ngũ hành, theo quan niệm hoa đào không chỉ có tác dụng xua đuổi tà ma mà còn có thể mang đến nguồn sinh khí mới, giúp mọi người trong nhà luôn khỏe mạnh và bình an trong năm mới, vì thế khi đón năm mới, ta thường thấy các gia đình đặt chậu hoa đào trước cửa nhà…Tích xưa kể lại, ở phía đông núi Sóc Sơn (Hà Nội) có một cây hoa đào cổ thụ, cành lá sum suê khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng. Trên cây hoa đào khổng lồ ấy có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ, luôn luôn che chở cho dân chúng tránh mọi tai ương. Quỷ ma nào uy hiếp dân làng đều bị 2 vị thần xử lý. Ma quỷ khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần và dần dần sợ luôn cả cây đào, chỉ cần trông thấy cành hoa đào thôi cũng đủ khiến chúng cao chạy xa bay. Dịp cuối năm, cũng như các thần khác, hai vị thần phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày tết, hai thần vắng mặt ở trần gian nên để tránh ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái, dân chúng đã đi hái những cành hoa đào về cắm trong nhà, ai không hái được thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần linh dán ở trước nhà. Việc làm đó truyền từ đời này sang đời khác thành một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Có mặt tại thôn Cộng Hòa, xã Vạn Thiện vào những ngày cuối năm, được tận mắt chứng kiến người người, nhà nhà trang trí chậu hoa đào trước nhà để đón tết xen lẫn tiếng cười đùa của lũ trẻ chơi ngoài sân mới cảm nhận hết được ý nghĩa của hoa đào đối với ngày tết của dân tộc. Anh Nguyễn Văn Hiệp một người đam mê chơi đào tết nhiều năm nay vừa trang trí chậu hoa đào, vừa trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết lâu nay trong rất nhiều thứ phải chuẩn bị cho ngày tết thì cành đào là thứ không thể thiếu đối với gia đình anh bởi dường như chưa thấy hoa đào là chưa thấy tết đến, xuân về. Cũng theo anh Hiệp để lựa chọn được một cành đào đẹp, thì cần phải chú ý chọn cành có hoa cánh kép, màu thắm, cành đều. Thân đào có thể xù xì nhưng khoẻ, chắc. Cành vừa phải, dăm (nhánh nhỏ nhất của cành đào) nhỏ, nhiều hoa, dăm vút thẳng ra ngoài tán, nụ trải đều từ đầu tới cuối dăm. Những cành có dăm to thường ít hoặc thưa hoa. Chọn cành tùy phải theo không gian trong nhà, chọn tán đào phải tròn, các nhánh phân bố đều. Không nên chọn cành có tán lệch và các nhánh đâm lên không cùng bắt đầu từ một điểm trên thân gốc...

Chia tay với chuyện về hoa đào, thú chơi tao tao nhã, nét đẹp văn hóa tâm linh ngày tết cổ truyền mà trong tôi vẫn còn đọng lai nhiều nghĩ suy. Có lẻ chính cái phong vị đặc trưng không thể thiếu của hoa đào mỗi độ tết đến xuân về mà từ lâu hoa đào đã có một vị trí thiêng liêng trong tâm thức người Việt bởi sở thích chơi hoa đào tết cổ truyền không chỉ là quan niệm tâm linh mà còn là một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc ta mỗi độ tết đến xuân về. Hoa đào làm cho xuân thêm thắm tươi, làm không gian thêm ấm cúng và lòng người như được trút bỏ những phiền muộn của đời sống mà ung dung, tĩnh tại giữa ngày xuân để rồi ngay từ bây giờ, ngắm nhìn những nụ hoa đang chớm nở, đếm ngược từng ngày đến Tết Nguyên đán, ta thấy thời gian dường như cũng ngưng đọng lại trên từng cánh hoa nồng nàn, đỏ thắm, thúc giục mỗi gia đình sắm sửa, hân hoan đón chào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới./.
                                                                                   Nguyễn Văn Ba