CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Gói bánh chưng đón tết cổ truyền - nét văn hóa cần được giữ dìn, lưu truyền

Đăng lúc: 10:21:39 22/01/2014 (GMT+7)
100%

Bánh chưng gợi nhớ ngày tết hay tết gợi nhớ hương vị bánh chưng? Không biết từ bao giờ bánh chưng đã trở thành lễ vật không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, món ăn đặc trưng trong ngày tết.

             Vào mỗi dịp tết cổ truyền trong rất nhiều thứ phải chuẩn bị thì bánh chưng-món ăn truyền thống, phẩm vật dùng để cúng gia tiên dường như không thể thiếu được trong mâm cỗ của mỗi gia đình. Từ bao đời gói bánh chưng đón tết đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc ta mỗi độ tết đến xuân về. Cùng với sự phát triển của xã hội khi đời sống vật chất ngày càng đủ đầy, với nhiều món ăn mới lạ, độc đáo thế nhưng với nhiều gia đình bánh chưng trong ngày tết không chỉ đơn thuần là món ăn mà đã trở thành niềm vui, niềm hân hoan sum họp gia đình những ngày đầu năm mới.
         Phong tục gói bánh chưng ngày tết, nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc ta đã có từ ngàn xưa. Bánh chưng không chỉ là món ăn biểu trưng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước mà còn chứa đựng trong đó ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh quan của người Việt. Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng cho cho đất, (âm). Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng cho trời, (dương) thể hiện triết lý âm dương, biện chứng của người Phương Đông nói chung và triết lý vuông tròn của người Việt xưa. Tương truyền rằng người con thứ 18 của Hùng Vương thứ sáu tên là Lang Liêu đã dùng Bánh chưng, Bánh dầy làm phẩm vật dâng lên vua cha và sau đó được truyền ngôi báu. Từ đó cứ vào dịp lễ, tết hay đám cưới, đám tang dân gian bắt chước làm theo về sau thành tục lệ gói bánh chưng để cúng tổ tiên, đất trời và có lẽ cũng không biết từ bao giờ hình ảnh chiếc bánh chưng đã gắn liền với ngày tết. Với nhiều người, đặc biệt là những người già thì ngày tết dù có mâm cao cỗ đầy tới đâu mà không có món bánh chưng thì vẫn không phải là mâm cổ ngày tết.
          Có mặt tại làng Yên Thái, xã Hoàng Giang vào những ngày giáp tết được tận mắt chứng kiến cảnh các bà, các mẹ tất bật chuẩn bị nào gạo, nào thịt, đậu xanh, hành, lá dong, lạt buộc…còn các cụ ông quây quần gói bánh chưng, tiếng cười đùa của lũ trẻ ngoài sân mới thật sự cảm nhận được hết nét đẹp văn hóa ẩn sâu trong chiếc bánh chưng đã có từ ngàn xưa của dân tộc. Dù năm nay đã 78 tuổi nhưng cụ Lê Văn Miến vẫn tham gia gói bánh chưng đón tết cùng con cháu. Với cụ Miến gói bánh chưng chính là thể hiện sự yêu thương, thành kính của con cháu dâng lên các bậc sinh thành, là nét đẹp văn hóa cần phải được gìn giữ, lưu truyền bởi nó là sợi dây gắn kết các thế hệ. Theo cụ để có những cặp bánh chưng vừa ngon, vừa sánh mịn lại vừa thơm, vừa dẻo là cả một sự chuẩn bị rất công phu. Nguyên liệu chính làm bánh gồm: gạo nếp, đậu xanh, thịt heo. Bánh muốn ngon thì phải chuẩn bị nguyên liệu thật chu đáo, gạo ngâm đãi thật kỹ, đậu xanh đồ vừa chín tới, thịt có cả nạc, bì, mỡ, ướp đủ gia vị tiêu, hành củ, lá dong bánh gói xong phải luộc ngay mới xanh. Để chiếc bánh vuông đẹp “chín rền” thì lúc gói phải “đậu trong gạo, gạo trong lá”, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu, miếng bánh sau khi cắt nhân đỗ, thịt nạc phải cân đối ở tất cả các phần. Cụ Miến còn cho biết thêm để bánh được ngon thì phải nấu đủ thời gian, thường thì phải trên 10 tiếng, phải để lửa râm râm, nấu bằng bếp củi bánh ngon hơn nấu gas. Bánh được gói bằng lá dong sẽ xanh, đẹp và thơm hơn lá chuối. Phải gói thật kín, không để cho nước vào trong bánh mới ngon. Cùng chung niềm vui trong câu chuyện, anh Tấn cho biết thêm cái độc đáo của bánh chưng chính là ở chỗ: bánh chưng tuy luộc song vì nước không tiếp xúc được với vật liệu luộc nên lại là hình thức hấp hay chưng khiến bánh giữ nguyên được chất ngọt của gạo, thịt, đậu có lẽ vì thế mà mới gọi là bánh chưng. Vì thời gian chưng lâu nên các hạt gạo mềm nhừ quyện lấy nhau và cùng vì chưng lâu mà thịt, gạo, đậu có đủ thời gian chan hòa, ngấm vào nhau trở thành hương vị tổng hợp độc đáo, đồng thời mang triết lý sống chan hòa, hòa đồng của dân tộc ta.
         Chia tay với câu chuyện của cụ Miến, anh Tấn trong buổi chiều cuối năm mà trong tôi còn đọng lại nhiều suy nghĩ. Liệu sau này, nét đẹp văn hóa của dân tộc ẩn sâu trong  những chiếc bánh chưng sẽ được ai tiếp nối, gìn giữ hay nó sẽ bị mai một và biến mất trước sự phát triển của xã hội, khi cuộc sống đã đủ đầy hơn, trong mâm cỗ ngày tết tuy vẫn có món bánh chưng song hình ảnh gói bánh chưng đón tết đang dần mất đi và thay vào đó người ta thường mua bánh chưng tại các cửa hàng, siêu thị hoặc thông qua dịch vụ cung ứng hàng hóa và rồi có lẽ cùng với sự phát triển thế hệ trẻ em mai này sẽ không bao giờ có được cái cảm giác náo nức đêm giao thừa ấm cúng, quây quầy bên nồi bánh chưng với gia đình, sẽ không còn được chứng kiến cảnh các bà, các chị tất bật với việc rửa lá dong, ngâm gạo nếp hay đãi đỗ,...
         Tiễn biệt năm cũ 2013 chào đón năm mới 2014 trong niềm vui, hân hoan của năm mới chúng ta hãy cùng tin tưởng và hy vọng phong tục gói bánh chưng đón tết sẽ được thế hệ người Việt Nam lưu truyền và gìn giữ, truyền thống văn hóa ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày tết sẽ tiếp tục được thế hệ mai sau tiếp nối thế hệ ông, cha bởi với dân tộc Việt gói bánh chưng ngày tết mãi là nét đẹp truyền thống, biểu tượng cho sự sum họp, đủ đầy sợi dây cố kết các thế hệ người Việt Nam đời đời./.
                                                                                                        Nguyễn Văn Ba