CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Giải pháp làm sạch môi trường trong chăn nuôi gia trại, trang trai bằng kỹ thuật làm đệm lót sinh học ở huyện Nông Cống

Đăng lúc: 10:29:34 03/11/2014 (GMT+7)
100%

 

            Thực hiện các mục tiêu quốc gia trong phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm và các chế độ, chính sách phát triển của tỉnh, nên ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện không ngừng phát triển theo hướng sản xuất tập trung thâm canh tăng năng suất ngày một cao và ổn định. Đến nay toàn huyện có trên 11 ngàn con trâu bò, 30 ngàn con lợn và trên 1,3 triệu gia cầm được tập trung nuôi chủ yếu ở 233 trang trại và 716 gia trại. Tuy nhiện một số vấn đề khó khăn lớn đang đặt ra cần phải giải quyết đó là: ô nhiễm môi trường do phế, phụ phẩm gia súc, gia cầm thải ra trong trang trại, gia trại, đặc biệt là gia trại.

            Để giải quyết khó khăn trên, từ tháng 5 năm 2012, Hội làm vườn và trang trại Tỉnh đã khởi động "xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học". Hội làm vườn và trang trại Nông Cống hưởng ứng và bám sát ngay nhiệm vụ Tỉnh hội giao. Xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, không chỉ có lợi trong chăn nuôi mà còn làm giảm ô nhiễm môi trường. Được sự chỉ đạo của UBND huyện, Hội đã phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội trong toàn huyện tuyên truyền sâu rộng trong trong nhân dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, phát động và triển khai thực hiện quý từ 1 năm 2013. Để các chủ trang trại, gia trại trong toàn huyện dễ tiếp cận và thuận tiện trong thực hành, Hội đã sưu tầm, soạn thảo, in ấn quy trình kỹ thuật làm chuồng chăn nuôi và đệm lót sinh học cung cấp cho Hội cơ sở theo hướng dẫn của TS. Nguyễn Khắc Tuấn và của tỉnh hội ban hành; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho chủ tịch hội làm vườn và trang trại xã, thị trấn; tổ chức được 6 lớp cho hội viên HVT, Hội nông dân, Phụ nữ ở các xã Minh Nghĩa, Trường Sơn, Tượng Sơn, Yên Mỹ, Tượng Lĩnh, Vạn Hòa; Liên kết với tiến sĩ Nguyễn Khắc Tuấn, nguyên giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hội làm vườn và trang trại Tỉnh để cung ứng và dịch vụ chế phẩm Balasa N01 cho hội viên. Tiến hành làm thí điểm thành công 54 m2 chuồng nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học tại trang trại của ông Đỗ Đức Thái xã Tế Lợi, xây dựng 5 mô hình chăn nuôi với quy mô 25 con lợn thịt, diện tích ô chuồng 75m2 ở xã Vạn Hòa Hội đã mở rộng mô hình và thu được nhiều kết quả đáng mừng. Sau 3 tháng nuôi lợn tăng trọng trung bình 20,4kg/con/tháng, chuồng trại không có mùi hôi, giảm công lao động một cách đáng kể. Mô hình lan tỏa nhanh ngay tại xã Vạn Hòa chỉ trong vòng một tháng đã có thêm 27 hộ làm đệm lót (tiêu biểu là gia đình ông Lê Quang Đoàn, thôn Tùng Thiện với diện tích chuồng đệm lót và khí sinh học Bioga 100m2 để nuôi gần 100 con lợn và 500 gà thịt). Đến nay toàn huyện đã có 11 đơn vị hội viên làm đệm lót sinh học, gia trại làm đệm lót là 162 hộ (9 hộ nuôi lợn, 153 hộ nuôi gà). Tổng diện tích đệm lót là 3144m2. Cùng với đệm lót sinh học toàn huyện đã xây được 436 hầm khí sinh học Bioga đã làm giảm ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư.

Chăn nuôi theo phương pháp dùng đệm lót sinh học đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, vật nuôi tăng trọng nhanh, ít bị bệnh, giảm được nhiều công lao động và các chi phí trong quá trình nuôi, nhất là điện, nước, thuốc trị bệnh... Kinh phí làm đệm lót ít, phù hợp với nhiều hộ nông dân, với diện tích chuồng chỉ gần 10m2 trở lên là làm được cho chăn nuôi 5 đến 6 lợn thịt; 4 đến 5 m2  nuôi được 20-30 gà thịt, gà đẻ. Nguyên liệu chính đệm lót là men sinh học Balasa No1 (1kg/10 m2), bột ngô, trấu, mùn cưa. Kỹ thuật làm đơn giản nhưng hiệu quả kinh tế cao.

            Để phương pháp làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi đến được với mọi người dân, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, trong những năm tiếp theo Huyện hội tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong hộ nông dân và hội viên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hội xã, thị trấn xây dựng mục tiêu phấn đấu cụ thể, có các giải pháp thực hiện hiệu quả cao hơn và coi đó là điểm xét thi đua; cuối năm tổ chức hội nghị sơ kết để rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả, Làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, tổ chức cho hội viên đi tham quan học tập ngay trong địa bàn thôn, làng, xã, thị trấn. Phấn đấu hết nhiệm kỳ 2012-2017 có ít nhất 70% gia trại làm đệm lót sinh học, đặc biệt trong chăn nuôi lợn.

            Để thực hiện được mục tiêu trên tổ chức Hội làm vườn và trang trại huyện cần được sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội quan tâm nhiều hơn nữa, luôn đồng hành cùng Hội làm vườn và trang trại thực hiện tốt nhất các mục tiêu trên để cùng nhau chung tay xây dựng chương trình Nông thôn mới thành công bền vững ở tất cả các địa phương trên địa bàn huyện./.
Nguyễn Văn Xuân
Chủ tịch Hội làm vườn và trang trại huyện Nông Cống