CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Công tác phòng trừ sâu bệnh vụ thu mùa 2014

Đăng lúc: 08:05:45 31/07/2014 (GMT+7)
100%

                                                                                                                          Những năm gần đây, sản xuất vụ thu mùa diễn ra trong điều kiện thời tiết khá phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến cây lúa. Đầu vụ thường mưa lớn gây ngập úng một số diện tích mạ, lúa sau cấy cùng với nắng nóng xen kẽ mưa dông là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh và gây hại như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân bướm 2 chấm, rầy các loại, bệnh do vi khuẩn…

+ Sâu cuốn lá nhỏ: Là sâu loài đa thực, có khả năng gây hại trên nhiều loại cây trồng như: Ngô, Lạc, rau màu, ... khi ngoài đồng có cây lúa sâu di chuyển ra đồng gây hại. Thời gian qua, sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 phát sinh với mật độ cao, số lá xanh/đơn vị diện tích ít nên mức gây hại lớn chủ yếu trên diện tích lúa cấy sớm ở các xã như Công Liêm, Vạn Thiện, Thăng Bình, Thăng Long, ... Phần lớn bà con nông dân đã phun thuốc BVTV (phun 2-3 lần/đơn vị diện tích), song do không nắm được lịch sâu nở, lại bơm thuốc không đúng theo khuyến cáo của đơn vị chức năng, vì vậy, hiệu quả phòng trừ rất thấp. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 4 phát sinh từ ngày 15/7 với mật độ cao. Nếu xử lý sớm ở tuổi 1, tuổi 2 hiệu quả phòng trừ rất cao. Nên dùng thuốc nội hấp lưu dẫn 2 chiều có thời gian diệt sâu non kéo dài, bị phân huỷ do môi trường chậm. Thuốc xử lý: Prevathon 5SC, Voliam targo 63SC, Virtako 40WG,Takumi 20WG. Dự tính, sâu non lứa 5 phát sinh giữa tháng 8 hại lúa giai đoạn đứng cái - làm đòng. Sâu lứa 6 phát sinh giữa tháng 9 gây hại trên diện tích lúa mùa muộn thuộc 8 xã vùng I gieo cấy muộn, trổ muộn. Sâu lứa 5 và lứa 6 gây hại khi bộ lá lúa cơ bản đã ổn định, khả năng đền bù rất thấp nên cần được quản lý tốt.

+ Sâu đục thân bướm 2 chấm: Là loài sâu đơn thực, chỉ gây hại trên cây lúa. Đối tượng thường xuyên gây hại nặng trên lúa ở vụ mùa. Trưởng thành sâu đục thân bướm 2 chấm thường đẻ trứng ở những ruộng lúa xanh non, rậm rạp. Do đó, những diện tích này hay bị gây hại nặng. Sâu lứa 4 phát sinh từ ngày 21/7/2014 trở đi hại lúa giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh - đứng cái. Dự tính, sâu lứa 5 phát sinh cuối tháng 8 hại lúa giai đoạn làm đòng - trổ bông. Thuốc sử dụng: Prevathon 5SC, Voliam Targo 63SC, Virtako 40WG. Toàn bộ diện tích cấy trà hè thu né lụt sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng 80 - 100 ngày nên sử dụng thuốc Prevathon, Voliam Targo và Virtako diệt được cả 2 loại sâu đục thân và sâu cuốn lá nhỏ.

+ Rầy các loại: Hiện nay trên đồng ruộng rầy lứa 4 có ở tất cả các pha, các tuổi. Dự tính, rầy lứa 5 phát sinh vào cuối tháng 7 hại lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái. Rầy lứa 6 phát sinh cuối tháng 8, đầu tháng 9. Mật độ rầy ≥ 750 con/m2 mới tiến hành phun thuốc. Thuốc sử dụng: AC Dinosin 500WP, Chess 50WG, Apta 300WP. Tuỳ theo từng giai đoạn của lúa để dùng thuốc cho đúng. Lúa giai đoạn đứng cái - làm đòng – trổ nên dùng các loại thuốc nội hấp lưu dẫn. Giai đoạn lúa chín đỏ đuôi trở đi chỉ dùng duy nhất thuốc AC Dinosin. Rầy lứa 5, lứa 6 hiện tượng gối lứa liên tục và sẽ gây cháy từ tuổi 3 của lứa 5 trở đi. Do đó, cần được thăm đồng thường xuyên để có những hướng dẫn cụ thể, xử lý kịp thời đạt kết quả cao.

+ Bệnh bạc lá, sọc vi khuẩn: Bệnh phát sinh và gây hại trên diện tích lúa xanh tốt, thân lá mềm yếu, hàm lượng đạm tự do trong cây tích luỹ cao (thừa đạm, thiếu kali) và trên giống nhiễm. Bệnh phát triển nhanh sau các đợt mưa dông hoặc bão. Cần phun thuốc sớm khi bệnh mới phát sinh. Thuốc xử lý: Apolits 20WP, Ychatot 900SP.

+ Bệnh khô vằn: Nấm gây bệnh khô vằn có phổ ký chủ rộng bao gồm 180 loại cây trồng khác nhau như ngô, mía, đậu đỗ, ... bệnh gây hại trên tất cả các giống lúa (chưa có giống kháng) và ở mọi cấp địa hình. Là loại bệnh hại toàn thân - bệnh gây hại bẹ lá, phiến lá và cổ bông. Các bẹ lá sát mặt nước hoặc bẹ lá già ở dưới gốc thường là nơi phát sinh bệnh đầu tiên. Bệnh thường phát sinh, gây hại từ giai đoạn cuối đẻ nhánh trở đi và gây hại ở cả 2 vụ lúa. Vụ mùa thường gây hại nặng hơn vụ chiêm xuân. Tuy nhiên bệnh không gây mất trắng, giảm 10% - 60% năng suất. Bệnh phát sinh trên diện tích cấy dày, bón thừa đạm, phun thuốc trừ bệnh sớm khi bệnh mới phát sinh. Thuốc xử lý: Help 400SC, Till - Super 300EC, Vida 5WP./.

Trong IPM - sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là biện pháp cuối cùng trong phòng trừ sâu bệnh hại (phòng là chính), nhưng hiện nay người dân sử dụng thuốc BVTV tràn lan, kết hợp 2 - 3 loại trong 1 bình bơm, làm giảm hiệu lực của thuốc, tăng khả năng kháng thuốc của sâu bệnh, ảnh hưởng lớn tới môi trường sống và tăng chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Phun thuốc BVTV trước khi bón phân thúc đợt 1 bằng các loại thuốc như Ofatox, các loại thuốc có hoạt chất Fipronil… sẽ không có hiệu quả, nên phun thuốc vào thời điểm thân lá lúa khô ráo, cường độ ánh sáng và nhiệt độ không khí phù hợp thuốc nội hấp lưu dẫn thuận lợi, phun xong ít nhất được 2h không bị rửa trôi thì không cần phun lại. Những ngày nắng nóng nhiệt độ ≥ 350C, thời điểm phun thuốc tốt nhất vào buổi chiều, nếu phun thuốc vào buổi sáng thời gian nội hấp của thuốc ngắn, thuốc nhanh bị biến tính khi gặp nhiệt độ cao.

Trên đây là một số loại sâu bệnh đã và đang xuất hiện trong vụ thu mùa 2014, người dân cần nắm được một số kiến thức cơ bản để có biện pháp chăm sóc và bảo vệ lúa được tốt, đem lại hiệu quả, năng xuất cao./.
                                                                                      Hoàng Thị Huyền
                                                                                      Trạm BVTV huyện