CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Coi trọng tính bền vững trong xây dựng NTM để hướng tới một nông thôn kiểu mẫu

Đăng lúc: 15:00:46 12/02/2015 (GMT+7)
100%

 Coi trọng tính bền vững trong xây dựng NTM để hướng tới một nông thôn kiểu mẫu
                                                              Phạm Minh Chính

                                                       Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy

                                                    Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM
           Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình có nội dung toàn diện, tổng hợp các chủ trương, chính sách, các chương trình mục tiêu của Đảng và Nhà nước liên quan trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, tác động trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân với năm nội dung cơ bản cần đạt được: Làm cho nông thôn văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; sản xuất bền vững theo hướng hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc được giữ gìn và phát triển; xã hội nông thôn được quản lý tốt và dân chủ.

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Nông Cống, mặc dù trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thứ song với sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, sự tham gia tích cực và có hiệu quả của cả hệ thống chính trị, với phương châm “hướng về cơ sở, đầu tư cho cơ sở, chăm lo cho cơ sở” đã tạo được sự đồng thuận và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Đến nay toàn huyện đã đạt được 402 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 13 tiêu chí; có 4 xã hoàn thành 19 tiêu chí: xã Trường Sơn, Tượng Văn, Minh Thọ và Tế Lợi. Trong lộ trình từ nay đến năm 2016, 4 xã: Hoàng Giang, Trung Chính, Minh Nghĩa, Vạn Thiện sẽ phấn đấu cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí và đề nghị tỉnh thẩm định công nhận.

Từ việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng NTM đã mang lại hiệu quả thiết thực; nhiều công trình hạ tầng nông thôn được quan tâm xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu lao động, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, qua đó hình thành nhiều mô hình phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa có hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân; đời sống văn hóa tinh thần không ngừng được nâng lên, an ninh trật tự xã hội được giữ vững, nhiều cơ sở văn hóa được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp và xây mới, các hoạt động văn hoá - thể thao và học tập trong cộng đồng được khôi phục, duy trì và phát triển, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Tuy nhiên, nhìn lại sau gần 4 năm xây dựng NTM trên địa bàn huyện cũng còn những vấn đề tồn tại cần khắc phục như: Chương trình xây dựng NTM đã trở thành một phong trào lớn nhưng chưa đồng đều, một số địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, chưa chú trọng đến nội dung xây dựng NTM; một bộ phận cán bộ đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về chương trình xây dựng NTM, chưa có nhiều chuyển biến trong tổ chức thực hiện, kết quả đạt được chưa cao. Một số xã có biểu hiện chạy đua theo bề nổi, nặng về huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa chú trọng nhiều đến lĩnh vực phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để nâng cao thu nhập cho nông dân; các nội dung chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm, môi trường, chỉnh trang khu dân cư chưa được quan tâm đúng mức. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vào trang trại chưa được như mong muốn.

Để khắc phục những hạn chế và tháo gỡ những khó khăn cũng như làm cho các tiêu chí đã đạt được có tính bền vững, thời gian tới chúng ta cần tăng cường mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp phù hợp cho từng đối tượng như: đất sản xuất, vốn, việc làm, tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, việc lựa chọn cây con giống và đầu tư hạ tầng đồng bộ…đi cùng với các giải pháp như: tập trung chuyển đổi và áp dụng phương thức sản xuất mới, hiệu quả; định hướng sản xuất tập trung theo quy trình khép kín, từ đó xây dựng thương hiệu và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản; tập trung xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân để việc xây dựng NTM phải đảm bảo hiệu quả, bền vững và hướng tới một nông thôn kiểu mẫu.

Đối với các xã đã hoàn thành 19 tiêu chí cần tiếp tục rà soát, bổ sung và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo tính bền vững và đồng bộ, thật sự mang lại hiệu quả và tạo nên một diện mạo mới trong nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Đối với các xã đang tổ chức thực hiện cần đánh giá đúng thực trạng về xây dựng NTM trên địa bàn và từng bước điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương, biết tận dụng và phát huy tối đa tinh thần đoàn kết cộng đồng cho mục tiêu chung. Xây dựng Nông thôn mới có nhiều tiêu chí nhưng cần xác định tiêu chí nâng cao đời sống của người dân là tiêu chí quan trọng nhất, vì tất cả các tiêu chí đều hướng tới và phục vụ cho việc nâng cao đời sống của người dân. Qua đó làm cho người dân nhận thức được xây dựng Nông thôn mới là xây dựng đời sống tốt đẹp hơn cho chính mình. Xây dựng Nông thôn mới không phải là việc làm ngày một ngày hai mà phải là một công việc thường xuyên, dài lâu, liên tục. Chính vì vậy phải thực hiện trên cơ sở phải đảm bảo nguyên tắc phát triển đồng đều, bền vững. Cần xây dựng những phương án cụ thể cho từng tiêu chí, từ đó mới có thể tháo gỡ những tồn tại, hạn chế mắc phải trong quá trình triển khai như: nhận thức của nhân dân về xây dựng NTM, tập quán canh tác, sản xuất, sinh hoạt…

Thực tế đã bộc lộ khá rõ về tính thiếu bền vững trong mỗi tiêu chí NTM là chúng ta thường dồn sức để đạt được một tiêu chí, nhưng khi đạt được rồi thì có tư tưởng "xả hơi" hay thả nổi, không tiếp tục đầu tư giữ vững và phát triển lên. Xây dựng  NTM đã mở ra cánh cửa để người dân tự tin hơn trong xu hướng hội nhập với đời sống đô thị, nhưng sự mất cân đối, thiếu đa dạng trong đào tạo nghề để người lao động có thu nhập thường xuyên và ổn định cũng là một trong những nguyên nhân làm nên tính thiếu bền vững trong xây dựng NTM. Một khi tháo gỡ được những vấn đề trên sẽ là đòn bẩy tăng thu nhập cho từng hộ dân, góp phần giảm nhanh hộ nghèo. Khi nguồn kinh tế đảm bảo thì việc huy động nguồn lực trong dân để xây dựng hạ tầng sẽ không còn khó khăn như lâu nay.

Để xây dựng NTM hiệu quả, đảm bảo tính bền vững, hướng tới một nông thôn kiểu mẫu cần kiên quyết đấu tranh loại trừ một số bệnh như: Chạy theo thành tích, kiểu phong trào, bệnh thời cơ, thiếu trách nhiệm trước nhân dân, trước công việc… Đối với người nông dân cần thực hiện “bốn xóa” là xóa tư tưởng trông chờ, ỷ lại; xóa vườn tạp, ao hoang, độc canh; xóa tư tưởng lạc hậu; xóa nghèo. Bên cạnh đó cần triển khai bổ sung và thực hiện đồng bộ bốn nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất: Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa quan trọng của NTM, thực sự xem NTM là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mình. Từ đó cán bộ mới giúp nhân dân nhận ra lợi ích của chương trình vì chính bản thân người nông dân.

Thứ hai: Cấp ủy chính quyền chỉ đạo, lãnh đạo một cách sáng tạo việc xây dựng NTM phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, đồng thời hàng năm phải tiến hành đánh giá, rà soát chặt chẽ, đúng quy trình để công nhận tiêu chí mới và đánh giá lại tính bền vững của các tiêu chí đã đạt.

Thứ ba: Các xã cần vận dụng sáng tạo các chính sách xây dựng NTM như: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ trên địa bàn nông thôn. Chính sách hỗ trợ cho việc nhân rộng các mô hình sản xuất. Chính sách khuyến khích hợp tác đa dạng, liên kết với người nông dân với doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ dạy nghề...

Thứ tư: Các địa phương phải chủ động huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội, người dân, đồng thời lồng ghép các chương trình đầu tư cho hạ tầng và phát triển sản xuất.

Năm 2015, là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống chính trị xã hội, năm diễn ra đại hội đảng các cấp tiến tới đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII, Từ những kết quả đạt được 4 năm qua, với quyết tâm chính trị cao nhất, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở; mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phải tiếp tục chung sức, chung lòng, chung ý chí và hành động để xây dựng thành công huyện nông thôn mới trong thời gian tới./.