CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Chàng sinh viên và ước mơ làm giàu từ đà điểu

Đăng lúc: 09:10:52 10/04/2014 (GMT+7)
100%

Hiện là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Lê Văn Danh, không an phận là cậu học trò chỉ biết đến giảng đường và thư viện như phần lớn các sinh viên khác, mà anh luôn tìm cách cụ thể hóa kiến thức học được ở nhà trường vào thực tiễn cuộc sống.

             Được sinh ra từ gia đình làm nghề nông tại xóm 1, thôn Đoài Đạo xã Công Liêm, vốn quen với cảnh chân lấm tay bùn nên chàng trai trẻ đã sớm nuôi ý chí làm giàu. Thấy bố mẹ vất vả làm ra củ khoai, hạt thóc để nuôi gia đình thật không đơn giản, bản thân luôn muốn vừa học vừa làm để có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình, nhưng làm gì để vừa có thu nhập vừa phụ trợ cho việc học của mình ở trường luôn làm Danh trăn trở. Bước vào năm học thứ 2, một lần tình cờ đọc được thông tin trên báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu về mô hình nuôi đà điểu. Việc thuần hóa và đưa vào nuôi dưỡng loài chim khổng lồ hoang dã vốn sống tại các vùng bán sa mạc, thảo nguyên là điều thú vị đã làm cho chàng sinh viên trẻ rất ngưỡng mộ. Đà điểu được giới thiệu là loại vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, thịt mềm, thơm ngon ít mỡ, lượng cholesterol thấp lại giàu chất đạm; trứng, mỡ, lông, da đà điểu là nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như da giày, thắt lưng, túi xách, đèn bàn, đèn ngủ, bình hoa, hầu như đà điểu thành phẩm cái gì cũng có giá trị. Nhận thấy điều kiện gia đình mình phù hợp với việc nuôi loài chim khổng lồ này nên Danh đã đầu tư thời gian, công sức đi tìm hiểu cách nuôi và học hỏi kinh nghiệm.

Danh đem ý tưởng mở gia trại nuôi đà điểu trao đổi với bố và gia đình. Được gia đình ủng hộ, hai bố con quyết tâm đi thăm quan, học tập mô hình nuôi đà điểu ở một số nơi như: Ba Vì, Hà Tây, Hà Nội…, bố con Danh đã trực tiếp ra Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam để tìm hiểu kiến thức về cách nuôi đà điều. Qua những chuyến thăm quan mô hình chăn nuôi đà điểu càng củng cố thêm quyết tâm đầu tư nuôi loại chim khổng lồ này. Được gia đình ủng hộ và dồn hết vốn liếng cùng với việc vay mượn thêm 150 triệu từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nông Cống để mua đà điểu giống, xây dựng chuồng nuôi và học kỹ thuật nuôi. Nhờ lợi thế có diện tích đất vườn rộng, gia đình đã xây dựng chuồng trại. Chuồng trại chăn nuôi đà điểu khá đơn giản, gồm có hai phần, một phần là chuồng và phần còn lại là sân bãi chăn thả. Mỗi khu chuồng trại và sân bãi đều rào giậu bằng lưới kẽm B40 với chiều cao từ 1m50 đến 2m. Đà điểu rất ít mắc bệnh, là loại vật có sức đề kháng tốt, có thể chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, chịu rét, chịu nắng tốt. Bản năng giống đà điểu là 70% gia cầm và 30% gia súc, nên khi đã đạt trọng lượng từ 15 kg trở lên, khả năng chống chịu với những biến đổi ngoại cảnh của chúng cực khỏe. Vì thế, với những người chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, việc nuôi đại trà các giống gà, lợn rất dễ xảy ra dịch bệnh hàng loạt, dẫn đến khuynh gia bại sản, nhưng với con đà điểu thì cầm chắc phần thắng. Tháng 5/2013 Danh đã mua gần 40 con đà điểu giống về nuôi, mỗi con giống có giá từ 2,5 đến 3,0 triệu đồng.

Nuôi đà điểu ít tốn công chăm sóc, với gần 40 con đà điểu gia trại của gia đình Danh chỉ cần 2 lao động, nên chi phí công nuôi không đáng kể. Toàn bộ việc chăn nuôi chăm sóc, anh bàn giao lại cho bố mẹ ở quê, tiếp tục ra Hà Nội đèn sách và tìm thị trường đầu ra cho đà điểu thương phẩm. Vừa nuôi, vừa học, bố anh đã nhanh chóng học tập được kỹ thuật nuôi đà điểu do Danh truyền lại. Còn Danh cũng được bố dạy cho kỹ thuật do ông rút ra qua việc trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng lũ chim xuất xứ từ sa mạc này. Thức ăn cho đà điểu rất đơn giản và d kiếm với các loại rau cỏ, các loại ngũ cốc, bột cá, bột xương, các phế phẩm trong ngành nông nghiệp và chế biến. Nuôi đà điểu từ 10-12 tháng có th bán thương phẩm, thịt đà điểu đang là món ăn đặc sản có giá cao tại các nhà hàng, khách sạn ở các thành phố lớn.

Vừa chăn nuôi, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và sau gần một năm đi vào hoạt động, gia trại nuôi đà điểu của gia đình Danh đã cho kết quả bước đầu. Đàn đà điểu giống từ chỗ ban đầu mỗi con có trọng lượng từ 2,0 kg đến 5,0 kg đã tăng trọng lên gần 100 kg/con. Vừa qua gia đình ông cho xuất lứa đầu gồm 10 con được gần 1 tấn. Đà điểu bán thương phẩm trên thị trường hiện nay có giá từ 80.000 đến 90.000 đồng/kg. Trừ chi phí sau mười tháng nuôi mỗi con đà điểu cho lợi nhuận trên 3 triệu đồng. Đà điểu cho thu nhập cao hơn so với các con vật nuôi truyền thống như: bò, lợn, gà, nguồn thức ăn lại phong phú.

 Danh cho biết: Sau khi xuất hết số đà điểu này gia đình sẽ tiếp tục mua con giống về nuôi và mở rộng mô hình chăn nuôi. Thị trường thịt đà điểu hiện nay đang rất “nóng” nên không lo đầu ra cho đà điểu thương phẩm. Ngoài việc nuôi đà điểu thành phẩm cung cấp thịt cho thị trường, anh còn làm thêm cho Công ty thuộc da, và đang tiến hành thu mua da đà điểu, đây là một mặt hàng hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận. Danh còn cho biết thêm một số sản phẩm làm từ da đà điểu như giày, ví hiện đang được bày bán ở các trung tâm thương mại, siêu thị lớn với giá thành khá cao và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Hỏi về dự định sau khi tốt nghiệp Đại học kinh tế Quốc dân Hà Nội, Danh cho biết, sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp anh sẽ về quê đầu tư phát triển kinh tế gia đình ngay tại mảnh đất anh được sinh ra, việc phát triển thành trang trại đà điểu cũng là một hướng đi tốt. Hy vọng với những kiến thức Danh có được từ trong giáo trình cùng với những bài học anh rút ra từ thực tiễn, với tình yêu quê hương sẽ giúp anh có được kết quả tốt, trở thành ông chủ trẻ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của kinh tế địa phương./.
                                                                                       Mai Trang