CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Giải mã câu ca “Được mùa Nông Cống, sống mọi nơi”

Đăng lúc: 08:46:32 25/02/2014 (GMT+7)
100%

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI diễn ra từ ngày 1 - 3/7/2013, đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp nông dân và nhân dân cả nước. Đại hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khoá V) và lựa chọn những đồng chí xứng đáng bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ 2013 - 2018… Trong những ngày tháng 6/2013, Hội Nhà văn Việt Nam đã cử một đoàn nhà văn đi thực tế viết về Nông thôn mới tại tỉnh Thanh Hóa. VanVN.Net trân trọng giới thiệu bài ký của nhà thơ Lê Tuấn Lộc sau chuyến đi này.

Ngay từ trước hôm chuẩn bị đi viết về nông thôn mới ở Thanh Hoá, tôi đã nảy sinh ý tưởng giải mã câu ca Được mùa Nông Cống, sống mọi nơi. Hôm xuất hành, trên xe từ Hà Nội vào Thanh Hoá, để thử phản ứng các nhà văn, tôi nêu câu hỏi: “Theo các nhà văn, câu Được mùa Nông Cống, sống mọi nơi là nghĩa thế nào?” Không cần suy nghĩ lâu, nhà văn Đỗ Ngọc Yên nổ súng ngay: “Có gì đâu, Nông Cống được mùa thì đỡ làm phiền toái đến xứ khác, thế thôi.” Nhà văn - chiến sỹ khác thì tham gia nhẹ nhàng hơn: “Hồi hành quân trên đườngTrường Sơn, bọn tôi cãi nhau suýt thụi nhau về câu ấy đấy.” Có thể nghĩa như Đỗ Ngọc Yên nói, cũng có thể nghĩa như Nông Cống là một vựa lúa. Tôi im lặng không nói gì. Biết là có tranh luận ở đây cũng không ngã ngũ. Đến một nhà nghiên cứu văn học người Nông Cống như Đỗ Ngọc Yên mà còn giải mã thế thì phải có căn cứ khoa học hơn thì mới qua được mấy ông nhà văn nhiều lý lẽ. 

Tôi còn nhớ, nhà văn Hoàng Tuấn Phổ ở Hội Văn nghệ Thanh Hoá, cách đây 30 năm, trong một cuộc tranh luận bên bàn trà đã đỏ mặt tía tai tranh cãi về câu này, rồi anh lại có cả một bài báo trên tạp chí Người bạn văn hoá nữa. Anh Hoàng Tuấn Phổ cho rằng: Nông Cống xưa đúng là một vựa lúa. Tôi đứng về phía Hoàng Tuấn Phổ. Thế nhưng lời kết thỏa đáng vẫn chưa có.

Về Nông Cống, Bí thư huyện uỷ và Chủ tịch UBND huyện đi họp tổng kết NQ TW 5 ở tỉnh uỷ Thanh Hoá. Phó Ban tuyên giáo Hoàng Sỹ Huệ dẫn đoàn nhà văn đi thực tế xã. Tôi lại nêu câu hỏi: “Theo anh Huệ, câu ca Được mùa Nông Cống, sống mọi nơi giải mã thế nào? Anh nói: :Câu này phải dẫn dắt từ thế kỷ thứ 17, cái gốc vẫn là Nông Cống xưa là huyện nhiều luá gạo, nếu được mùa thì san sẻ cho các địa phương khác.” Tôi hào hứng nói: “Anh giải mã thế là chụm với lý lẽ của tôi đấy.”

Giải mã câu ca cũ phải bắt đầu từ nguồn gốc lịch sử và vị trí địa lý của Nông Cống.

Theo sách vở ghi lại, sản vật nhiều nhất ở Nông Cống xưa nay vẫn là lúa gạo. Ngay cái tên Nông Cống đã nói lên điều đó. Theo Nguyễn Bá Chữ và Nguyễn Văn Siêu thì huyện Nông Cống trước và sau Công nguyên có tên là huyện Tư Nông (tức huyện có nhiều sản vật nông nghiệp). Theo "Đại Nam nhất thống chí" thì tên Nông Cống có từ thời nhà Trần về trước. Chữ Nông Cống, theo chữ Hán có nghĩa là cung cấp cống nạp về lương thực, sản phẩm nông nghiệp.

Có phải câu ca "Được mùa Nông Cống sống mọi nơi" có nghĩa là Nông Cống được mùa thì đỡ phải đi mua lúa gạo những nơi khác không? Có người hiểu như thế. Ta hãy giải mã dần dần.Nếu hiểu  như thế, thì giải thích thế nào về câu ca xưa của người xứ Thanh "Cơm Nông Cống, cá Quảng Xương, văn chương Hoằng Hóa". Và ngay câu tiếp theo câu Được mùa Nông Cống, sống mọi nơi là câu Mất mùa Nông Cống tả tơi mọi vùng. Rõ ràng là Nông Cống trước đây nhiều lúa gạo và gạo ngon nên mới có câu ấy chứ.

Cùng với câu ca đó, trong dân gian còn truyền tụng câu "Nghệ Yên Thành, Thanh Nông Cống" (Nghệ An thì huyện Yên Thành là nhiều lúa, Thanh Hóa thì huyện Nông Cống là nhiều lúa). Về gạo ngon ở Nông Cống, có thể tìm hiểu ở đình Làng Lai xưa (xã Tân Khang) trong sắc phong của vua nhà Nguyễn còn lại câu: "Trí tứ tinh mễ sở" (vùng có gạo ngon nổi tiếng để tiến vua) cũng nói lên điều đó. Nông Cống xưa có làng Tinh Mễ, dưới chân núi Nưa thuộc xã Tân Khang là một trong bốn vùng có gạo ngon cả nước.

Vậy thì tại sao bây giờ có người hiểu và giải thích câu ca trên khác đi?

Đúng là những năm 60 của thế kỷ trước, Nông Cống đói thật, nghèo thật. Đói rạc cả người, nghèo rớt mồng tơi. Làng tôi có mả của ông ăn mày tha phương cầu thực ở đâu về chết đói ở đầu làng. Người ta chôn ngay cạnh đường. Ai đi qua cũng bỏ vào một hòn đá để lấy may.Cái mả cứ to dần lên. Cái đói của thời bao cấp, cái thời hợp tác xã toàn xã, lúa chín rục không ai đi gặt vì đang còn ở nhà bình công chấm điểm. Những ngày xưa, tháng ba đói ăn rau, tháng tám lụt trắng đồng ăn cháo, rượu không được phép nấu, pha cồn làm rượu. Những kỷ  niệm với quê nhà là đói và lụt. Những năm năm mươi của thế kỷ trước, do điều kiện thiên tai hạn lụt xẩy ra liên tục, tình hình thủy lợi giải quyết chưa triệt để nên đời sống rất nhiều khó khăn. Nông Cống có núi Nưa. Ngày xưa, rừng Nưa chưa bị phá, lũ lụt chưa dữ dội. Sau nhiều năm bị dân tàn phá, rừng Nưa thành đồi trọc, mưa là nước dội xuống đồng, bị ngập ngay. Cộng vào đó, Bắc núi Nưa có mỏ Chromite Cổ Định, ngay từ 1927 (thời thuộc Pháp), việc khai thác mỏ không gắn với bảo vệ môi trường đã làm làm cho tất cả các con suối và hồ lớn, các mau lớn dọc chân núi Nưa bị lấp hết làm cho mưa là úng ngập, hết mưa là hạn vì không tích trữ nước được. Xem các bản đồ cũ từ những năm 50 của thế kỷ trước, đều có các suối và hồ lớn có dung tích chứa nước đáng kể như hồ Vực Bưu, hồ Cổ Định, Mau sở, hồ Tinh Mễ... nhưng thực tế thì đến những năm 90 các hồ đã biến mất vì đất đá trên núi tràn xuống lấp hết. Cứ mỗi mùa lũ, mặt bằng cánh đồng ven núi Nưa lại bị bồi cao lên một ít. Sông Nhơm bé lại như một con ngòi nhỏ. Tốc độ tăng dân số quá nhanh, nhu cầu về đời sống không theo kịp cũng là những nguyên nhân làm cho kinh tế khó khăn thêm.

Mặt khác, từ khi thành lập huyện Triệu Sơn tháng 2-1965, Nông Cống bị chia đôi. Bắc huyện Nông Cống bị cắt đi 20 xã có phần đất màu mỡ của các xã Tân Ninh, xã Nông Trường, Khuyến Nông, Tiến Nông... có nhiều thuận lợi về nông nghiệp vì đã căn bản giải quyết được vấn đề khô hạn do có nước nông giang ở đập Bái Thượng. Để bù vào, Nông Cống được cả một vùng đất Tây Bắc Tĩnh Gia là 7 xã vùng đất chua mặn, chất lượng đất và năng suất lúa kém. Chính vì thế mà kinh tế Nông Cống những năm 60-70 có khó khăn hơn. Đói là phải thôi.

Bây giờ, thập niên đầu của thế kỷ 21, mọi điều đã khác rồi. Diện tích đất cấy lúa của Nông Cống vẫn là dẫn đầu cả tỉnh Thanh Hoá. Theo số liệu năm 2012, tổng diện tích gieo trồng là 28.133 ha, trong đó diện tích lúa 21.327,2 ha. Năng suất lúa năm 2012 đạt 60,4 tạ/ha, năng suất lúa theo đầu người là một trong  những huyện nằm trong tốp đầu của tỉnh Thanh Hoá, đạt 726,40 kg/người. Năng suất theo diện tích là 1 trong 6 huyện cao nhất của Thanh Hoá: 65 tạ/ha/vụ, 130 tạ/ha/năm, cũng thuộc tốp dẫn đầu của cả tỉnh Thanh Hoá. Với sự phát triển kinh tế hiện nay, nhiều lúa gạo chưa hẳn đã là huyện có sự phát triển kinh tế khá. Thu nhập theo đầu người mới là quan trọng. Sáu tháng đầu năm 2013, thu nhập theo đầu người của Nông Cống là 14 triệu đồng/năm, Tuy còn khiêm tốn so với cả nước nhưng cũng là huyện khá của tỉnh.

Buổi tối, Bí thư huyện uỷ Phạm Minh Chính đi công tác về. Ăn cơm tối xong anh bảo: “Giải mã câu ca xưa hãy bằng những hình ảnh về nông thôn mới của Nông Cống là thuyết phục nhất.” Anh Chính nói như là đã đọc thuộc lòng báo cáo: Nông Cống đúng là vựa lúa của Thanh Hoá như câu Nghệ Yên Thành, Thanh Nông Cống. Bàn về xây dựng nông thôn mới, anh Chính cho biết: Xây dựng nông thôn mới ở Nông Cống được tỉnh đánh giá là những huyện có về tốc độ xây dựng khá nhanh chỉ sau huyện Yên Định và một vài huyện khác.

Nông Cống đã có 25/29 xã hoàn thành việc lập đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bình quân toàn huyện đạt 7,4 tiêu chí. Nếu tính từ khi bắt đầu triển khai xây dựng Nông thôn mới, với một huyện rất khó khăn,điểm xuất phát thấp. Bình quân năm 2010 mới đạt 5,0 tiêu chí/xã, chỉ sau hai năm triển khai đã đạt 7,4 tiêu chí/xã thì mới thấy hết sự cố gắng trong lãnh đạo chỉ đạo và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Tập trung chỉ đạo xã Trường Sơn, xã cán đích hoàn thành 19 tiêu chí trong  năm 2013. Ban Thường vụ Huyện ủy đã thống nhất chủ trương ban hành cơ chế phát tiển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện, giai đoạn 2013 – 2016. Thế là vui.

Để tận mắt nhìn thấy những đổi thay của Nông Cống, tôi đã theo anh Hoàng Sỹ Huệ, phó Ban Tuyên giáo huyện uỷ về xã Trường Sơn, một xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Tôi quê Nông Cống nhưng chuyến đi này về quê thật bất ngờ về sự đổi mới nhanh chóng của quê nhà. Ấn tượng đầu tiên làm tôi hứng khởi là cơ sở hạ tầng của Trường Sơn rất khá. Con đường từ huyện dẫn về xã là Tỉnh lộ 525 đã được rải nhựa thẳng băng như đường cao tốc. Làng nào cũng có cổng được xây rất đẹp. Cổng làng nào cũng có câu đối bằng chữ Việt hai bên. Những nếp nhà mái bằng, mái ngói ẩn trong khuôn viên có vườn cây ăn quả xanh tươi. Cam trĩu quả, bưởi níu cành. Xóm làng quê yên bình và đổi mới.

Tôi hỏi ông trưởng làng Yên Minh của Trường Sơn: “Cổng làng này ngày xưa có chưa?” Ông bảo: “Tất cả các cổng làng của xã tôi đều mới xây từ năm 2000 trở lại đây hết.” Làng Văn Đô của xã Trường Sơn trước đây là làng văn hoá kém nhất xã. Đến nay, làng Văn Đô đã đứng đầu xã về xây dựng văn hoá. Những con số biết nói: 100% số gia đình có nhà xây. 100% gia đình có tivi. Đường rộng hè thông đến từng hộ. Hộ nghèo trước đây là 20,7% nay còn dưới 5% (theo chỉ tiêu mới về hộ nghèo), 80% các gia đình có nhà vệ sinh, 100 % các hộ đều có điện. Làng có ba gia đình có trang trại, 70 % hộ có thu nhập 19 triệu đồng/người/ năm. Làng Văn Đô đã cơ bản xong 19 tiêu chí về nông thôn mới. Hương ước làng được treo ở nhà văn hoá và được phố biến đến tất cả các gia đình. Thật là dân chủ, thật là văn minh. Hương ước của làng chính là triết lý lấy dân làm gốc. Các làng: Kim Phú (làng có nhiều nhà giàu nhất xã), làng Yên Minh (làng văn hoá cấp tỉnh) của Trường Sơn, nơi tôi đã đến đều là những làng đẹp về nếp sống văn hoá.

Cây đa, bến nước... những dấu ấn của làng quê xưa vẫn còn nhưng sân đình thì nhiều làng đã thay bằng nhà văn hoá, trong nhà văn hoá vẫn có nơi thờ thành hoàng làng. Làng nào cũng có truyền thống hội làng hàng năm vào đầu năm. Đổi mới nhưng vẫn còn truyền thống. Cách tân nhưng vẫn có tâm linh.

Xứ Thanh, xứ sở của thơ ca nên ai cũng có ít nhất một bài thơ lưu lại trong đời mình. Chia tay tôi, anh Phạm Hữu Diện, bí thư Đảng uỷ xã trường Sơn đọc tặng câu thơ:

Bán gì thì bán anh ơi

Còn quê đừng bán lấy nơi anh về

Câu thơ mang nặng một tình yêu quê nhà.

Dù không nói ra nhưng tôi cũng nhận thấy, ngoài phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhà nước và nhân dân, Trường Sơn là xã biết phát huy và khai thác ngoại lực tốt.

Để biết một xã điển hình về qui hoạch, anh Hoàng Sỹ Huệ đưa tôi về xã Tế Lợi: xã đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới năm 2012. Từ nhiều năm trước, khi chưa có tiêu chí nông thôn mới, Tế Lợi đã là xã điển hình về qui hoạch làng xã. Tôi đã được Bí thư đảng uỷ, chị Vũ Thị Tâm và chủ tịch xã Lê Trí Đức, dẫn đi xem đường đi lối lại. Qui hoạch rất cơ bản, đáp ứng yêu cầu về xây dựng nông thôn mới, phát huy nội lực tốt, nhân dân tích cực tham gia các phong trào, trung tâm văn hoá thể thao xã được đầu tư cơ bản. Theo tôi, Tế Lợi có ba cái nhất: Qui hoạch bài bản nhất (từ 20 năm trước), đời sống văn hoá làng xã đẹp nhất và có những trang trại đẹp nhất. Tôi càng bất ngờ hơn  khi đi xem một trang trại của anh Suốt ở phía Tây của xã. Trang trại như một khu du lịch sinh thái. Có hồ nuôi cá cao sản, có nơi thả rông nuôi lợn rừng và gà rừng, có khu nuôi ba ba... Cây xanh và hồ trong, bồn hoa và cây cảnh... Vào trang trại như vào công viên. Nông thôn mới của Nông Cống bây giờ, một ước mơ không bao giờ thấy của thời bao cấp 30 năm trước.

Lại những con số biết nói: Bê tông hoá đạt 30,45km/31/79 km, đạt 95,8%, trọng tâm là đường trục. Hộ nghèo của xã năm 2012 là 9,98%, năm nay 2013 khả năng giảm còn 6%. Y tế: Năm 2012, tham gia BHYT đạt 63%, năm 2013 tăng 70%. Nhà ở dân cư đã xoá bỏ hoàn toàn nhà tranh tre nứa lá, dột nát, tạm bợ. Thu nhập đạt 17,5 triệu/13 triệu bằng 1,34 lần chỉ tiêu chung. Thuỷ lợi: Bê tông hoá được 6,39 km kênh mương, xã điển hình về xây dựng thuỷ lợi. Tế Lợi đúng là một điểm sáng về qui hoạch nông thôn mới. Cán bộ biết tính trước, lo xa hàng vài chục năm nên bây giờ làm nông thôn mới theo 19 tiêu chí thật nhẹ nhàng. Qui hoạch chỉ cần bổ sung chứ không phải làm mới.

Nói đến Nông Cống, hãy nói đến sự đổi mới, sự phát triển về văn hoá giáo dục. Văn hoá là cái gốc lâu bền cho con người. Văn hoá làng Đông Cao, Văn hoá ở xã Tượng Văn - xã anh hùng thời kỳ đổi mới, Văn hoá các làng ở xã Trường Sơn....những điều cần học tập.

Tuy nhiên, mọi sự phát sáng về văn hoá đều có gốc cả đấy. Từ xưa, vùng Nông Cống có không ít người học giỏi đỗ cao. Chỉ tính từ năm 1247 đến năm 1870 riêng huyện Nông Cống cũ có 27 người đỗ đại khoa (Trang 233 tập 2, “ Đại Nam nhất thống chí”  - Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970). So với trong tỉnh Thanh Hoá thì số người đỗ đại khoa ở đây đứng hàng thứ nhì (sau huyện Hoằng Hoá). Trong các kì thi hương từ trước đến nay vùng Nông Cống có tới 62 người đỗ cử nhân (Theo “Đăng khoa lục Thanh Hoá”: nguyên bản “Thu tỉ đề danh kí”. Số 78/ĐC- 3086. Dịch: Ngô Đức Thọ). Những xã có truyền thống văn hoá từ lâu đời nhiều người đỗ đạt cao là xã Lan Khê, xã Cổ Đôi, Cổ Định và Hương Khê. Trong dân gian còn truyền câu tục ngữ:

“Ông cống, ông nghè Cổ Định, Cổ Đôi” (vùng Cổ Định và Cổ Đôi, tức vùng xã Tân Ninh - Triệu Sơn và xã Hoàng Giang bây giờ). Riêng xã Cổ Đôi (Hoàng Giang ngày nay) có tới 13 người đỗ đại khoa.

Tại nhà thờ họ Lê Sĩ ở xã Cổ Đôi có một câu đối bằng chữ nôm như sau:

Tiến sĩ ba đời lừng đất Việt

Công hầu một họ sánh trời Nam.

Tiến sĩ ba đời đó là: Lê Sĩ Cẩm, đỗ tiến sĩ năm 1680, Lê Sĩ Hãng, đỗ tiến sĩ năm 1705, Lê Sĩ Hoành, đỗ tiến sĩ năm 17651.

 

Giáo dục hiện nay đang phát huy truyền thống các cụ xưa. Về phát triển giáo dục, Nông Cống hiện nay đang đứng trong tốp đầu của cả tỉnh. Tỷ lệ học sinh giỏi cấp Tiểu học tăng 8% so với năm học trước 2011; cấp THCS thi học sinh giỏi xếp thứ 4 toàn tỉnh; thi giai điệu tuổi hồng đạt giải nhất cấp tỉnh, đã thẩm định và công nhận 54 trường học đạt Chuẩn quốc gia. Ngành giáo dục và đào tạo huyện Nông Cống được đề nghị tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm học 2012 - 2013...   

Ngày mai, tôi chia tay. Đêm nay, bên tách cà phê, Bí thư huyện uỷ Phạm Minh Chính  trầm tư nói những điều trăn trở: Thuỷ lợi, tiêu úng là quan trọng nhất cần phải có bước đi đột phá nhưng tiến độ còn chậm, đê Sông Yên, đê Thị Long... còn nhiều việc phải làm. Còn nhiều khó khăn: Chất lượng qui hoạch các xã chưa cao. Tỷ lệ được Nhà nước hỗ trợ là quá ít, yêu cầu dân đóng góp là rất lớn. Một xã thuần nông như Tế Lợi mà nguồn vốn phải huy động lên tới 260 tỷ đồng là con số quá lớn với khả năng huy động vốn đóng góp và nguồn ngân sách địa phương. Lao động thiếu việc làm còn nhiều. Tệ nạn xã hội tuy có giảm nhưng chưa cơ bản vì nguy cơ từ ngoài vào. Đây là điều bất cập. Nguồn vốn đầu tư từ các công trình lồng ghép đến rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và tốc độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Dù vậy, năm 2014 -2015 huyện phấn đấu sẽ có thêm các xã về đích xây dựng nông thôn mới là  Hoàng Giang, Minh Thọ, Tượng Văn. Nông Cống có 31 xã thì phấn đấu có 7 xã đạt chuẩn về Nông thôn mới, còn rất  nhiều việc phải làm. Những điều trăn trở, những nỗi lo toan... dân trông vào sự sáng suốt của cán bộ, mà cán bộ vẫn còn những người ngại khó, ngại khổ thì còn nhiều cản trở lắm.

Cái gì là cú hích cho Nông Cống? Thuỷ lợi, tiêu úng, Trị thuỷ sông Nhơm, sông Thị Long, Sông Yên... Nhiều việc đang làm, nhiều việc phải làm mà chưa có đủ tiền.

Nông Cống đang thênh thang trên đường đổi mới. Bao nhiêu điều khác xưa. Giàu hơn, văn hoá hơn, đoàn kết hơn... cho dù còn bao điều khó khăn phải vượt lên chính mình để xứng đáng là một huyện có nhiều điểm sáng của tỉnh.


Văn phòng HĐND -UBND huyện (sưu tầm của Lê Tuấn Lộc)