CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Những chiến sĩ Điện Biên quê hương Nông Cống

Đăng lúc: 20:44:34 15/04/2024 (GMT+7)
100%

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã qua cách đây 70 năm (7/5/1954). Để làm nên chiến thắng làm “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy có đóng góp một phần của những người con quê hương Nông Cống. 70 năm đã đi qua, những người lính Điện Biên Phủ đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Nhưng những kỷ niệm về một thời “hoa lửa” vẫn còn sống mãi trong lòng các nhân chứng của giai đoạn lịch sử hào hùng đó.

8dcc9e756a1dc4439d0c.jpg

CCB Nguyễn Ngọc Trong (người ngồi giữa) kể về những ngày chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

     Năm nay, CCB Nguyễn Ngọc Trong ở tiểu khu Lê Xá 2, thị trấn Nông Cống đã bước sang tuổi 102. Ở tuổi này nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn. Cứ đến những ngày tháng 5 lịch sử, ông lại nhớ về chiến dịch Điện Biên Phủ cùng với những người đồng đội của mình.

     Ông Trong nhập ngũ năm 1951, đơn vị là Tiểu đội 8, Trung đội 3, Đại đội 94, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Đơn vị ông được giao nhiệm vụ trong chiến dịch Thượng Lào. Sau khi Bộ chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ về đánh chiếm đồi A1, sau đó sang đồi C2. Trong đơn vị, ông Nguyễn Ngọc Trong được đơn vị trang bị một khẩu trung liên, 100 viên đạn, 02 quả lựu đạn và 01 cái xẻng. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đến năm 1960 ông chuyển ngành về mỏ Cổ Định và tham gia lực lượng tự vệ. Năm 1980 ông về nghỉ chế độ BHXH.

     Với những đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Ngọc Trong đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương chiến thắng, Huân chương chiến sĩ vẻ vang, Huân chương kháng chiến hạng nhì, Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ, Huy hiệu Dũng sĩ giữ nước... Tiếp nối truyền thống Cách mạng của gia đình, trong số 09 người con của ông Trong có 04 con trai đã tham gia kháng chiến chống Mỹ và có 02 người là thương binh. Dù đã 102 tuổi, nhưng CCB Nguyễn Ngọc Trong vẫn dõng dạc đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

     Cũng là một người con của quê hương Nông Cống tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ, CCB Nguyễn Thế Đản, ở tiểu khu Tập Cát 2, thị trấn Nông Cống vẫn luôn nhớ về thời kỳ hào hùng của dân tộc. Cụ nhập ngũ năm 1947, đơn vị là Trung đoàn 57, Sư đoàn 304. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ đánh vào sân bay Mường Thanh.

80ec9216487ee620bf6f.jpg

    CCB Nguyễn Thế Đản và vợ.

     Sân bay Mường Thanh được ví như “yết hầu”, cổ họng lớn của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hằng ngày có vài chục chuyến bay vận tải lớn từ sân bay Cát Bi - Hải Phòng, Gia Lâm - Hà Nội tiếp tế, thả dù cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ qua sân bay Mường Thanh. Nếu kìm chế được cầu hàng không thì ta sẽ ép quân Pháp vào tình thế khó khăn ở Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch ngày càng diễn ra căng thẳng. Tiếng đạn, bom và các hỏa lực của địch với tiếng pháo áp đảo của ta làm rung chuyển cả thung lũng Mường Thanh rộng lớn.

     Những ngày này ký ức của trận đánh ngày nào lại được tái hiện rất rõ qua lời kể minh mẫn của cựu chiến binh Nguyễn Thế Đản. Với nhiệm vụ là lính trinh sát, ông đã góp phần cùng với đồng đội làm nên chiến thắng hào hùng của dân tộc. Ông chia sẻ: lính trinh sát phải nhanh nhẹn, “tai thính, mắt tinh, mũi nhạy”, đặc biệt phải thật gan dạ, trong hoàn cảnh nào cũng không lùi bước trước quân thù. Không những thế, thông tin thăm dò được sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với mỗi trận đánh. Mỗi khi bước vào trận, người lính trinh sát phải vào tận hang ổ của địch, luồn lách qua từng hàng rào dây thép gai xem địch bố trí hỏa lực, hay rào thép gai như thế nào để đồng đội tiến công.

     Sau năm 1954 ông chuyển công tác về Trường sỹ quan lục quân. Đến năm 1956 ông chuyển công tác về Quân khu Tây Bắc và công tác đến khi về hưu năm 1987. Trong suốt chặng đường phục vụ trong quân ngũ, ông Nguyễn Thế Đản được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Một, Hai, Ba... Khi được hỏi về những cảm xúc của người lính từng tham gia trận mạc, ông Nguyến Thế Đản không giấu được niềm vui khi quê hương đất nước đang đổi mới, phát triển.

     Cứ mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, niềm vui hân hoan cùng cảm xúc tự hào lại ùa về trong mỗi người lính năm xưa. Đây chính là những nhân chứng lịch sử để truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình phải cố hắng học tập, rèn luyện để xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp hơn, xứng đáng với những hy sinh xương máu của cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc.

  

Nguyễn Thơ