CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Lễ hội Đền Mưng xã Trung Thành được công nhận danh mục di sản phi vật thể cấp Quốc gia

Đăng lúc: 09:15:30 17/04/2021 (GMT+7)
100%

Ngày 16/4/2021 (tức ngày mùng 5 tháng 3 âm lịch), tại xã Trung Thành, UBND huyện Nông Cống tổ chức Lễ công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – Lễ hội Đền Mưng, xã Trung Thành, huyện Nông Cống. Tới dự có các đồng chí: Hoàng Bá Tường – Phó Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; Đỗ Quang Trọng Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Quốc Tiến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; các đồng chí trong BTV huyện ủy, thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ, đại diện các đoàn thể, phòng, ban, ngành cấp huyện; địa diện lãnh đạo 9 xã vùng 1, cùng đông đảo nhân dân xã Trung Thành, xã Tế Nông, bà con trong vùng và du khách thập phương.

72690ảnh-1---Copy-(28).jpg 

Theo truyền thuyết,  vào năm 618 Tham Xung Tá Quốc Lê Hữu - con trai út của Lê Ngọc - một quan lớn của nhà Tùy không chịu khuất phục sự thống trị hà khắc của nhà Đường. Chính ông cùng với 3 người con trai với sự ủng hộ của nhân dân trong vùng đã tụ binh khởi nghĩa. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, thế trận không cân sức nên cha và 2 anh trai của ông đã hy sinh. Với lòng căm thù,  ông lên ngựa cầm quân thay cha đánh giặc. Trên đường truy kích ông đã bị quân giặc bao vây, trong một trận giao tranh sinh tử ông đã bị giặc chém rơi đầu… Ông nhặt đầu lên và tiếp tục thúc ngựa chạy về đến núi Côn Minh bên dòng Lãng Giang hét lên một tiếng, ném đầu xuống sông và hiển thánh. Đó là ngày mùng 5 tháng 3 âm lịch. Người chị gái từ Nghệ An ra cứu viện, biết tin em  hy sinh, bà đã gieo mình xuống dòng Lãng Giang tự vẫn để giữ trọn khí tiết, xác trôi đến ngã ba nơi hợp lưu giữa ba sông là sông Lãng, sông Hoàng, và sông Yên thuộc địa phận xã Tế Nông ngày nay thì nổi lên, được nhân dân vớt lên an táng. Ghi nhớ công ơn của cha con ông,  nhân dân trong vùng đã lập bàn thờ để hương khói. Đến thời Hậu Lê thế kỷ thứ XV được nhân dân xây dựng thành đền thờ gọi là Đền Mưng thuộc làng Mưng, tức là làng Côn Sơn ngày nay.

Xưa kia lễ hội Đền Mưng được xếp vào loại quốc lễ. Hàng năm vào dịp lễ hội Triều đình ban sắc chỉ, Bộ lễ cử người về làm chủ tế vì thế nên có tục rước văn. Ngoài việc tế lễ còn có trò chơi dân gian, trò diễn hát chèo thờ, các hoạt động chèo thuyền, rước voi, rước cỗ…

facebook_1618625621024_6789007916763780981.jpg

Một nét đẹp văn hóa đặc sắc trong lễ hội đền Mưng mà nhân dân trong làng còn lưu giữ được đó là tục hát chèo thờ. So với hát chèo của Đồng bằng Bắc Bộ, hát chèo thờ Đền Mưng là một loại hình sinh hoạt văn hoá độc đáo ở chốn làng xã mang đậm sắc thái bản địa nên có những nét riêng và độc đáo. Đó là hát chèo thờ Đền Mưng chỉ được sử dụng trong lễ hội Đền Mưng từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 8 tháng ba âm lịch. Hát chèo thờ ở đây là hát thờ thánh trong lễ hội Đền Mưng. Như vậy, có lễ hội Đền Mưng thì mới có hát chèo thờ. Trong lời hát của các làn điệu chèo thờ Đền Mưng thì những chữ luyến láy không dùng chữ i như hát chèo của Đồng bằng Bắc Bộ mà dùng chữ a. Hàng năm, vào dịp lễ hội nhân dân trong vùng thường tổ chức chèo thờ rước thánh lưỡng từ Đền Mưng xuống đền Tam Giang thăm chị. Tục hát chèo thờ Đền Mưng xuất hiện từ đó.

Với ý nghĩa và giá trị di sản, Lễ hội Đền Mưng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 4605, ngày 20/12/2019. Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Hoàng Bá Tường – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho cán bộ và nhân dân làng Côn Sơn  và xã Trung Thành.

72690ảnh-1---Copy-(28).jpg

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Đỗ Quang Trọng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch  nhấn mạnh,  Lễ hội Đền Mưng, xã Trung Thành là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, hình thành trong đời sống nhân dân. Lễ hội Đền Mưng được công nhận  di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của nhân dân xã Trung Thành nói riêng,  mà còn là niềm tự hào  của huyện Nông Cống nói chung. Để bảo tồn di sản,  đồng chí đề nghị  cấp ủy, chính quyền xã Trung Thành, cũng như huyện Nông Cống cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống  lịch sử văn hóa với nhân dân, nhất là thế hệ trẻ có ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa của lễ hội. UBND huyện Nông Cống phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành kiểm kê di sản, lập hồ sơ kế hoạch di sản để đánh giá giá trị, sức sống của di sản trong cộng đồng dân cư để đề xuất phương án bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị của di sản văn hóa quốc gia – lễ hội Đền Mưng.


facebook_1618625639835_6789007995663764037.jpg

Trong nội dung chương trình lễ công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – Lễ hội Đền Mưng còn có phần rước lễ - mở cửa đền truyền thống, phần tế lễ dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Tham Xung Tá Quốc Lê Hữu – đã có công đánh giặc giữ nước.

 

 

 

Nguyễn Thơ