CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Ký kết hợp đồng tín dụng giải ngân cho vay trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTG ngày 7/7/2021 của TTCP

Đăng lúc: 08:56:21 02/10/2021 (GMT+7)
100%

Tại Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nông Cống, ngày 01/10 đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng giải ngân cho vay trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTG ngày 7/7/2021 của TTCP giữa Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa, phòng giao dịch huyện Nông Cống và Công ty TNHH may mặc Hoàng Tùng (xã Trung Chính). Đồng chí Phạm Hồng Hạnh, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nông Cống tới dự lễ ký kết.

 32893d470492e54151aee12eecc01ac5.jpg

        Theo  Quyết định số 23/2021/QĐ-TTG ngày 7/7/2021 của TTCP  ‘Quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”,  người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất được vay vốn tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nông Cống  với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay. Mức cho vay tối đa (trong cả 2 trường hợp trên) bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng. Thủ tục cho vay đơn giản, nhanh chóng.

        Để tiếp cận được nguồn vốn vay, người sử dụng lao động phải đáp ứng một trong số các điều kiện, như: Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn; có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh…

         Cùng với các hoạt động trên, nhằm kịp thời đưa chính sách đi vào cuộc sống, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Nông Cống  cũng đã hướng dẫn doanh nghiệp và giải đáp vướng mắc nghiệp vụ cho vay với các nội dung như: Hồ sơ vay vốn, điều kiện vay vốn, nguyên tắc cho vay, đối tượng cho vay, mục đích sử dụng vốn, xử lý rủi ro khoản nợ tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… nhằm trang bị, cập nhật những thông tin, quy định mới, khắc phục những khó khăn khi cho vay vốn tại cơ sở, giúp cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nông Cống  thực hiện hiệu quả Quyết định  của Chính phủ đến đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đảm bảo thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách hỗ trợ.

           Theo thống kê, huyện Nông Cống có 82 doanh nghiệp, tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 9 nghìn lao động. Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Theo kế hoạch,  Công ty TNHH may mặc Hoàng Tùng  được  giải ngân trên 1,2 tỷ đồng với lãi suất 0% theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTG ngày 7/7/2021 của TTCP để trả lương  cho 135  lao động từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2021;  ngày 01/10/2021 Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nông Cống đã giải ngân 207 triệu đồng để trả lương tháng 9/2021 cho người lao động, số tiền còn lại sẽ giải ngân trong các tháng còn lại của năm 2021. Đây là doanh nghiệp đầu tiên vay vốn theo Quyết định này.

         Phát biểu ý kiến tại lễ ký kết, đồng chí Phạm Hồng Hạnh, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nông Cống  nhấn mạnh, huyện Nông Cống xác định việc giải ngân cho vay trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23 của TTCP là chủ trương lớn của Chính phủ, là việc làm quan trọng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khẩn trương phục hồi sản xuất sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng chí yêu cầu Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nông Cống phân công cán bộ, nhân viên   tiếp tục rà soát, hướng dẫn cụ thể các đối tượng có nhu cầu vay vốn để giải ngân kịp thời. Các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là Ủy ban MTTQ  huyện chủ trì giám sát việc cho vay, trả lương cho người lao động đúng đối tượng. Các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tuyên truyền đến người lao động nội dung quan trọng của Quyết định và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, mục tiêu phục hồi sản xuất nhanh và bền vững.

 

Hoàng Yến