CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Hội nghị đối thoại với người lao động tại Vạn Hòa, Minh Thọ và Thăng Long

Đăng lúc: 14:43:17 28/03/2014 (GMT+7)
100%

Trong các ngày 25 và 26 tháng 3, các xã Vạn Hòa, Minh Thọ và Thăng Long đã tổ chức hội nghị đối thoại với người lao động. Tới dự có đ/c Lê Trọng Hùng – Phó CT UBND huyện, ông Phạm Đình Việt – Phó Giám đốc Công ty Ngọc Sơn – Hà Nội, ông Đậu Tam Vinh – Chủ nhiệm HTX TTCN Vạn Phú.

 IMG_0210.jpg
Lao động làm nghề TTCN tại xã Vạn Hòa
             Những năm gần đây các xã Vạn Hòa, Minh Thọ và xã Thăng Long đã quan tâm du nhập nghề TTCN mây tre đan xuất khẩu vào địa phương, nhằm tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Tuy nhiên sau thời gian đào tạo, số lao động làm nghề giảm sút dần. Đến nay trên địa bàn xã Vạn Hòa chỉ còn 32 lao động duy trì được nghề, xã Minh Thọ còn 11 người, trong khi đó xã Thăng Long cũng còn được hơn 10 người làm nghề. Để tìm hiểu nguyên nhân số lao động làm nghề TTCN giảm sút, tại hội nghị này, các cấp chính quyền, người lao động các xã Vạn Hòa, Minh Thọ, Thăng Long cũng như đại diện các Công ty bao tiêu sản phẩm đã thẳng thắn trao đổi những vấn đề còn vướng mắc trong phát triển ngành nghề. Trong đó nhiều ý kiến của người lao động tại các địa phương nói trên cho rằng giá trị thu nhập từ mỗi sản phẩm mây tre đan còn thấp; chất lượng nguyên liệu không đảm bảo làm ảnh hưởng đến sản phẩm, khi sản phẩm làm ra không đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật bị đơn vị bao tiêu trả về nhiều gây chán nản cho người lao động; Bên cạnh đó việc thu gom sản phẩm không đúng thời gian làm cho sản phẩm bị mốc rồi lại trừ vào công của người lao động. Bên cạnh những nguyên nhân như trên, người lao động các xã còn trao đổi những khó khăn trong vấn đề giao hàng cho HTX Vạn Phú. Đó là người lao động phải thay nhau đi gom hàng, nhận nguyên liệu về nhưng không được hỗ trợ thù lao. Bên cạnh đó những sản phẩm lỗi bị HTX trả về thì bị nhầm lẫn giữa người này với người khác. Với sự trao đổi thẳng thắn, cởi mở, người lao động các địa phương nói trên còn đề nghị HTX TTCN Vạn Phú nên có cán bộ trực tiếp về thu gom hàng để phát hiện lỗi kỹ thuật kịp thời và hướng dẫn cho người lao động sửa chữa. Đối với những lao động mới học nghề UBND huyện và xã nên có chính sách hỗ trợ về ngày công. Với những lao động đã được đào tạo nhưng bỏ nghề nên đào tạo lại rồi cho lao động nhận nguyên liệu về tiếp tục làm.

IMG_0219.jpg        

Đối thoại giữa doanh nghiệp và người lao động nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển nghề TTCN  tại xã Minh Thọ

          Sau khi nghe ý kiến trao đổi của người lao động các xã Vạn Hòa, Minh Thọ và Thăng Long, ông Phạm Đình Việt – Phó Giám đốc Công ty Ngọc Sơn – Hà Nội là đơn vị bao tiêu sản phẩm và ông Đậu Tam Vinh – Chủ nhiệm HTX TTCN Vạn Phú – đơn vị vệ tinh của Công ty Ngọc Sơn đã trả lời những ý kiến, kiến nghị của người lao động. Đồng thời thông qua những ý kiến nói trên, các đơn vị sẽ có những chính sách để tiếp tục nâng cao giá trị ngày công cho người lao động và tiếp tục mở rộng sản xuất ở các địa phương.

          Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, đ/c Lê Trọng Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện đã đề nghị Công ty Ngọc Sơn và HTX TTCN Vạn Phú cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng của nguồn nguyên liệu trước khi cung cấp cho người lao động; tính toán lại giá nguyên liệu để nâng giá trị ngày công cho người làm nghề. Bên cạnh đó người lao động cũng cần phải yêu nghề, có sự đầu tư về thời gian để nâng cao tay nghề cũng như nâng cao năng suất lao động. UBND, BCĐ phát triển nghề TTCN, hội phụ nữ và các tổ chức đoàn thể ở 3 xã cần phải xác định nghề TTCN không phải là nghề phụ. Từ đó tiếp tục tuyên truyền, vận động những người đã bỏ nghề quay trở lại làm nghề, đồng thời tiếp tục mở lớp cho những người học mới. Qua đó nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động theo phương châm “Ly nông bất ly hương”.

 

Tin & ảnh: Nguyễn Thơ