CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

NHỮNG BẤT CẬP TRONG CÔNG TÁC QUY HOẠCH, QUẢN LÝ NGHĨA TRANG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN

Đăng lúc: 10:44:11 04/04/2016 (GMT+7)
100%

“Sinh - Lão - Bệnh - Tử” vốn là quy luật của tự nhiên. Con người khi chết được mai táng theo những phong tục, tập quán, nghi thức truyền thống riêng để tiễn đưa người đã khuất về nơi an nghỉ cuối cùng và cũng là nghi lễ thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của con cháu, cộng đồng xã hội đối với người quá cố. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý, xây dựng các nghĩa trang và an táng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện hiện nay chưa được quan tâm đúng mức..

          Hiện nay, nhân dân trên địa bàn huyện bắt đầu tiếp cận với hình thức hỏa táng, nhưng địa táng vẫn là hình thức an táng phổ biến, được coi là hình thức táng tốn nhiều diện tích đất (nếu sử dụng hoàn toàn hình thức địa táng và sử dụng diện tích đất tối thiểu bằng diện tích dành cho cát táng là 4m2/mộ, hung táng hoặc chôn cất một lần là 8m2/mộ), mỗi năm huyện ta phải cần thêm một quỹ đất lớn để phát triển nghĩa trang. Trên địa bàn huyện hiện có 307 thôn, làng, tiểu khu (tính theo tập tục sinh hoạt thì có 213 làng) ở 32 xã, thị trấn với 187.372 nhân khẩu, có tới 246 nghĩa trang nhân dân với diện tích 309,51ha, chiếm 1,08% tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện; trung bình mỗi thôn, làng có ít nhất một nghĩa trang. Các nghĩa trang này đều có khả năng ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí...

Một thực tế hiện trạng các nghĩa trang trên địa bàn huyện kể cả nghĩa trang do lịch sử để lại và nghĩa trang của những khu dân cư mới đều không có quy hoạch, nghĩa trang không có tường rào bảo vệ, không có nhà quản trang, không có hệ thống thoát nước, đường đi thường rất khó khăn, khu hung táng lẫn lộn với khu cát táng. Đặc biệt, do sự phát triển nhanh của dân cư nên rất nhiều nghĩa trang không có ranh giới phân định rõ ràng với khu dân cư, tại một số địa phương nghĩa trang nhân dân đã nằm sát cạnh khu dân cư gây mất mỹ quan và ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường, hiện tượng chăn thả gia súc trong nghĩa trang gây ảnh hưởng lớn đến mỹ quan... 

Việc quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý quỹ đất ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức; hiện tượng phân chia diện tích đất nghĩa trang theo từng gia đình, từng dòng họ diễn ra phổ biến; hiện tượng đầu tư xây cất lăng mộ không theo quy chuẩn. Khi đời sống kinh tế ngày càng phát triển, các gia đình đã quan tâm nhiều đến nơi chôn cất người quá cố, nhiều gia đình đã đầu tư xây cất phần mộ kiên cố, khang trang với đủ các loại kiến trúc, hình thù: mái cong, mái vòm, mái lượn, hoa văn, họa tiết, màu sắc với đủ loại vật liệu, bê tông, gạch, đá trị giá vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Việc xây cất không có quy định hướng mộ, kích cỡ, vị trí, kiểu dáng mộ xây cũng như các vấn đề bố trí vị trí nghĩa trang, kiến trúc cảnh quan nghĩa trang; quy hoạch xây dựng nghĩa trang; xử lý ô nhiễm môi trường cho nghĩa trang... hiện vẫn gần như được thả nổi.

Không chỉ đối với vấn đề nghĩa trang, các cơ sở vật chất phục vụ tang lễ hiện cũng rất thiếu và yếu. Những phương tiện dịch vụ tang lễ, dịch vụ công cộng cần thiết hiện đại chưa có. Tất cả các vấn đề bất cập nảy sinh này có nguyên nhân sâu xa là do chúng ta đang thiếu những định hướng phát triển, các cơ chế chính sách quản lý và kiểm soát xây dựng nghĩa trang và an táng cho các xã, thị trấn. Từ thực trạng trên cho thấy đã đến lúc phải có giải pháp lâu dài cho vấn đề quy hoạch xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn huyện.

Để đáp ứng yêu cầu trong xây dựng Nông thôn mới hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cần thực hiện triệt để tiêu chí 17 trong Bộ tiêu chí xây dựng Nông thôn mới quy định xã nông thôn mới phải có nghĩa trang nhân dân xây dựng theo quy hoạch, được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có quy chế về quản lý nghĩa trang; khu nghĩa trang phải có khu hung táng, cát táng, tâm linh, có nơi trồng cây xanh, có lối đi thuận lợi cho việc thăm viếng; mộ phải đặt theo hàng, xây dựng đúng diện tích và chiều cao quy định. Thực tế, sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, nghĩa trang chưa đạt chuẩn, kể cả các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để giải bài toán về vấn đề nghĩa trang trên địa bàn huyện trước mắt cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền, sự phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Ủy ban MTTQ và Hội Người cao tuổi trong việc quản lý, sử dụng nghĩa trang; tổ chức rà soát, quản lý việc sử dụng nghĩa trang từ cấp huyện xuống cấp xã, thôn, làng một cách có hiệu quả; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, chỉnh trang các nghĩa trang sao cho phù hợp với quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới.
       Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân thực hiện việc hỏa táng, lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đưa vào quy ước, hương ước của thôn, làng, tổ dân phố, nhằm nâng cao ý thức của người dân về việc chăm lo mộ phần cho người quá cố một cách văn minh, khoa học.
                                                                                                                                                                                                                       Mai Trang