CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Lễ hội Đền Bà Triệu thôn Đông Yên xã Trung Thành

Đăng lúc: 14:53:36 14/03/2023 (GMT+7)
100%

Ngày 13-3, tức ngày 22-2 âm lịch, tại Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Bà Triệu, thôn Đông Yên, xã Trung Thành tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 1775 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và lễ hội Đền Bà Triệu năm 2023.

Tới dự có đồng chí Phạm Hồng Hạnh, Ủy viên BTV huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, Trung tâm VH, TT, TT và Du lịch huyện; làng Đông Cao, xã Trung Chính; lãnh đạo địa phương cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

a2cc4fddedf630a869e7.jpg

          Triệu Thị Trinh sinh ngày 2 tháng 10 nǎm Bính Ngọ (226) tại miền núi Quân Yên (hay Quan Yên), quận Cửu Chân (nay thuộc làng Quan Yên, hay còn gọi là Yên Thôn, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) trong một gia đình hào trưởng. Từ nhỏ, bà sớm tỏ ra có chí khí hơn người.

Khi nhà Ngô xâm lược đất nước, chế độ áp bức và bóc lột của nhà Ngô trên nước ta hồi bấy giờ vô cùng tàn bạo. Triệu Thị Trinh và anh trai là Triệu Quốc Đạt vô cùng căm giận bọn quan lại nhà Ngô. Với chí lớn ấy, từ năm 19 tuổi bà đã cùng anh tập hợp nghĩa sĩ trên đỉnh núi Nưa, ngày đêm mài gươm, luyện tập võ nghệ để chuẩn bị khởi nghĩa.

Sau một thời gian chuẩn bị, Bà Triệu cùng nghĩa quân đã vượt sông Chu đến rừng núi Nưa (Nông Cống, Triệu Sơn ngày nay) để lập căn cứ, tập hợp lực lượng, chuẩn bị lương thảo, nhằm mở rộng địa bàn hoạt động xuống miền đồng bằng. Cuộc khởi nghĩa của bà và Triệu Quốc Đạt bùng nổ vào nǎm 248 và được nhân dân trong quận Cửu Chân hưởng ứng và nhanh chóng lan tỏa ra quận Giao Chỉ. 

Khi Triệu Quốc Đạt tử trận, Triệu Thị Trinh lãnh đạo toàn bộ quân khởi nghĩa chiến đấu chống quân Ngô. Nghĩa quân chiến đấu liên tiếp nhiều trận, thế lực ngày càng mạnh, quân số có tới hàng vạn người. Nghĩa quân của bà đánh thắng quân Ngô nhiều trận.

Sau một cuộc bao vây ráo riết của quân giặc, Bà Triệu phải rút về núi Tùng Sơn. Bà quì xuống vái trời đất: "Sinh vi tướng, tử vi thần" (Sống làm tướng, chết làm thần) rồi rút gươm tự vẫn, đó là vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn - 248.

Để tưởng nhớ công ơn của Bà người dân núi Nưa, nay thuộc thôn Yên Dân và thông Đông Yên, xã Trung Thành đã lập Đền thờ Bà ngay tại chân núi, là nơi Bà dấy binh khởi nghĩa.

02814fd9ebf236ac6fe3.jpg

Đền Bà Triệu ở thôn Đông Yên tọa lạc ở sườn núi phía Đông Bắc theo hướng chính Đông lệch Bắc 20 độ. Khu vực này nhân dân quen gọi là Đông đền. Lưng đền dựa vào vách ngàn Nưa. Đền đã được xây dựng từ xa xưa, song do biến thiên lịch sử và hủy hoại của thiên nhiên, ngôi đền bị xuống cấp chỉ còn nền móng. Cách đây 20 năm ngôi tiền đường chỉ còn lại các chân tảng kê cột và gạch ngói vỡ nát cùng 1 số đoạn gỗ chân cột.

Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, năm 2015 Đền Bà Triệu thôn Đông Yên được trùng tu tôn tạo. Trong đó tỉnh hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng, xã đầu tư trên 500 triệu đồng và nhiều hạng mục được xã hội hóa. Đến nay Đền gồm có 3 gian, 2 chái, 1 hậu cung, cột bê tông, tường gạch, lợp ngói, sân đền được lát gạch. Hàng năm vào ngày 22 tháng 2 âm lịch, nhân dân xã Trung Thành nói chung và thôn Đông Yên nói riêng đều tổ chức lễ hội.

22315473f2582f067649.jpg

Phát biểu ý kiến tại lễ hội Đền Bà Triệu, thôn Đông Yên, xã Trung Thành, đồng chí Phạm Hồng Hạnh, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện nhấn mạnh: Lễ hội Đền Bà Triệu được tổ chức hàng năm là thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với công lao to lớn của Vị nữ tướng tài ba Triệu Thị Trinh và các bậc tiền nhân có công xây dựng đất nước, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá của cha ông để lại.

          Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội Đền Bà Triệu, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phạm Hồng Hạnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và du khách thập phương tiếp tục  tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hơn nữa để quần chúng nhân dân trong xã, trong vùng và du khách thập phương hiểu được ý nghĩa, giá trị lịch sử văn hóa của cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô, từ đó có trách nhiệm trong việc bảo vệ, tôn tạo, tu bổ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa Đền Bà Triệu tại thôn Yên Dân và thôn Đông Yên, xã Trung Thành.

          Cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, của tỉnh tiến hành lập hồ sơ trùng tu, tôn tạo để di tích, lễ hội Đền Bà Triệu được đầu tư, tôn tạo thêm các hạng mục, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách, gắn với đầu tư phát triển du lịch của xã và của huyện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nông Cống lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

          Bên cạnh đó làm tốt công tác xã hội hóa, kêu gọi vận động nhân dân trong xã, trong vùng, các nhà hảo tâm, con em xa quê hỗ trợ kinh phí để cùng với nhà nước và địa phương tôn tạo, bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích và lễ hội xứng đáng với công lao to lớn của nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.

          Địa phương cần kêu gọi các nguồn lực hợp pháp để tôn tạo khuôn viên, đường giao thông vào di tích, quy hoạch bến bãi đỗ xe, tạo không gian tôn nghiêm, sạch đẹp. Phối hợp với cơ quan chuyên môn, các phòng, ngành, các xã lân cận khu vực Núi Nưa – Sông Lãng gắn với quy hoạch vùng, trên cơ sở cảnh quan thiên nhiên Đền Bà Triệu - kết nối với Đình làng Đông Cao, Đền Mưng, Đền Tam Giang và các điểm di tích phí Bắc của huyện trở thành chuỗi du lịch văn hoá tâm linh của huyện Nông Cống.

          

Nguyễn Thơ