CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04,05 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa 18)

Đăng lúc: 16:02:34 20/09/2019 (GMT+7)
100%

Tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, sáng ngày 20/9/2019, huyện Nông Cống tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; nghị quyết số 05 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa 18). Đồng chí Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện và đồng chí Mai Nhữ Thắng, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì hội nghị.

 IMG20190920093410.jpg

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa 18) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong huyện về an toàn thực phẩm đã có sự chuyển biến rõ nét. Từ năm 2016 đến nay, huyện ta đã và đang triển khai một số dự án về nông nghiệp, như: Dự án chăn nuôi bò sữa quy mô 20 nghìn con, nhà máy chế biến sữa của công ty TNHH hai thành viên Yên Mỹ; quy hoạch 2,5 ha đất để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tế Lợi; xây dựng vùng lúa sản xuất lúa Việt Gáp tại 02 xã Trường Sơn, Tượng Văn….Toàn huyện đã xây dựng hoàn thành 03 chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn 105 ha tại các xã: Trung Chính, Trường Giang, Công Liêm; 03 chuỗi cung ứng rau của quả an toàn tại các xã: Vạn Hòa, Vạn Thắng, Thăng Long; hoàn thành 01 chuỗi thịt lợn tại xã Vạn Thắng. Toàn huyện có 120 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, có 26 cơ sở đã được thẩm định, ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; có 3/23 chợ được cấp giấy chứng nhận chợ ATTP; xây dựng được 13 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; 04 xã đạt tiêu chí xã ATTP. Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ quản lý và nâng cao năng lực phân tích, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng thực phẩm được quan tâm; việc chuyển giao công nghệ, ứng dụng KTKT trong bảo đảm vệ sinh ATTP được chú trọng. Trong 3 năm, UBND huyện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 215 cơ sở, đạt 78,5% chỉ tiêu.

    3 năm qua, việc triển khai Nghị quyết số 04 ở huyện ta vẫn còn một số tồn tại, đó là: Công tác truyền thông về vệ sinh ATTP chưa cao; hoạt động của tổ giám sát cộng đồng hạn chế; lãnh, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát về ATTP có nơi còn thụ động.

       Đối với thực hiện Nghị quyết số 05 về tăng cường sự lãnh đạo của  Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường, đến tháng 4/2017 huyện ta đã thực hiện đồng bộ công tác thu gom rác thải tại 32 đơn vị, trong đó có 31 đơn vị vận chuyển rác về bãi rác Hồ Mơ. Công ty Cổ phần Giao Thông Công Chính tiến hành nghiên cứu khoa học, lắp đặt lò đốt chất thải rắn sinh hoạt có công suất 2.000 kg/giờ tại bãi rác Hồ Mơ. Xây dựng và tuyên truyền các mô hình tiên tiến về bảo vệ môi trường, như: “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”, “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”….Trên địa bàn huyện có 03 công trình cấp nước sinh hoạt, gồm: chi nhánh cấp nước Nông Cống, nhà máy cấp nước Minh Thọ, chi nhánh cấp nước xã Vạn Thắng. Các công trình cấp nước sinh hoạt đã đáp ứng cho 100% dân cư đô thị và khoảng 10% số hộ khu vực nông thôn. Phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ  xây dựng được 784 hố thu gom rải thải ngoài đồng; lắp đặt và xây dựng 822 công trình khí sinh học, sử dụng hơn 21.110 m2 đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Công tác kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, chất bảo quản nông sản, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; công tác khuyến nông, huấn luyện kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp được chú trọng. Các làng nghề truyền thống làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả mô hình dòng sông không rác thải, đoạn kênh tự quản về môi trường; thường xuyên tổ chức khơi thông dòng chảy tại các tuyến sông, kênh chảy qua khu dân cư theo kế hoạch phát động tổng vệ sinh môi trường.

    Tuy nhiên, trong công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều bất cập, như: công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường chưa thường xuyên; tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trong khu dân cư còn phổ biến; bãi rác Hồ Mơ trong tình trạng quá tải; việc thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật thiếu đồng bộ; nhận thức của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh về môi trường chưa cao…

     Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Tiến, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện nhấn mạnh, Nghị quyết số 04, 05 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa 18) là hai Nghị quyết quan trọng, quyết định đến phát triển kinh tế xã hội nói chung. Do vậy, thời gian tới các địa phương cần  đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về ATTP, vệ sinh môi trường dưới nhiều hình thức khác nhau; cấp ủy chính quyền từ huyện đến cơ sở tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn nội dung, xây dựng lộ trình cụ thể  để tổ chức thực hiện; tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh ATTP, vệ sinh môi trường; cần huy động sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác phản biện xã hội, thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu ATTP, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, các địa phương, đơn vị phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện 2 Nghị quyết này.

 

Hoàng Yến