CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

TRIỂN KHAI CHUẨN NGHÈO THEO PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN ĐA CHIỀU

Đăng lúc: 14:31:32 04/02/2016 (GMT+7)
100%

Phương pháp tiếp cận giảm nghèo đa chiều là cuộc đổi thay lớn trong quan điểm về công tác giảm nghèo. Bởi trong những năm trước đây nghèo đói thường được đo lường thông qua thu nhập. Chuẩn nghèo được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu và được quy ra bằng tiền. Người nghèo hay hộ nghèo là những đối tượng có mức thu nhập thấp hơn chuẩn nghèo. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, chuẩn nghèo được xây dựng theo hướng: sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Phương pháp này được áp dụng sẽ bảo đảm mức sống toàn diện hơn cho người dân, không chỉ lo bữa ăn, lo áo mặc mà còn các yếu tố khác như: giáo dục, chăm sóc sức khỏe, điều kiện sống về nhà ở, nguồn nước sinh hoạt...

           Cách tiếp cận nghèo đa chiều phải đạt được 3 mục tiêu là đo lường và giám sát nghèo; định hướng chính sách; xác định hộ nghèo và xác định đối tượng hưởng thụ chính sách... Do đó, nội dung của cách tiếp cận đo lường nghèo đa chiều cần xác định được các chiều thiếu hụt, xác định các chỉ số đo lường và ngưỡng thiếu hụt trong từng chiều. Có 11 chỉ tiêu nghèo đa chiều bao gồm: giáo dục người lớn, giáo dục trẻ em, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, hố xí, dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin, bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội. Trong giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo đa chiều được xác định: Một hộ gia đình được coi là hộ nghèo đa chiều nghiêm trọng nếu hộ gia đình thiếu từ 1/2 tổng số nhu cầu cơ bản trở lên; một hộ được coi là hộ nghèo đa chiều nếu hộ gia đình thiếu từ 1/3 đến dưới 1/2 tổng số nhu cầu sống cơ bản; một hộ gia đình được coi là hộ cận nghèo đa chiều nếu hộ gia đình thiếu từ 1/5 đến dưới 1/3 tổng số nhu cầu cơ bản. Việc xây dựng chuẩn nghèo thu nhập cần xác định được mức sống tối thiểu nhằm đáp ứng những nhu cầu tối thiểu nhất mà mỗi người cần phải có để sinh sống. Mức sống tối thiểu được xây dựng trên cơ sở các nhu cầu tối thiểu về tiêu dùng lương thực, thực phẩm và nhu cầu chi tiêu phi lương thực, thực phẩm. Về thu nhập, chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/ người/tháng, khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng. Việc điều tra xác định đối tượng được thực hiện vào đầu kỳ (cuối năm 2015), giữa kỳ (năm 2018) và cuối kỳ (năm 2020), đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được ổn định thực hiện chính sách từ 2 - 3 năm để đảm bảo thoát nghèo bền vững.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015, huyện Nông Cống đã kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo bám sát cơ sở để chỉ đạo tổ chức triển khai kế hoạch tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo tính chính xác, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, có sự tham gia của người dân. Xác định đội ngũ cán bộ thôn là những người hiểu biết về tình hình dân cư tại địa bàn, huyện đã thành lập các tổ điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2015 theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều tại các khu dân cư, do trưởng thôn làm tổ trưởng. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm cao, các điều tra viên cơ sở đã thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới, xác định đúng và không bỏ sót đối tượng, phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân địa phương. Đến thời điểm này, tất cả các địa phương trong huyện, công tác tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều đã được thực hiện công khai, chính xác, minh bạch. Huyện ta có 48.762 hộ dân, trong đó hộ nghèo là 5.350 hộ, chiếm 10,97%; hộ cận nghèo là 4.201 hộ, chiếm 8,62%; khẩu nghèo là 17.819 khâu chiếm 9,30%, khẩu cận nghèo là 16.653 khẩu, chiếm 9,21% (khẩu tự nhiên 191.542 khẩu). Vào đầu năm 2016, các đối tượng trên sẽ được áp dụng ngay chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục và nhiều dịch vụ xã hội khác.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chuẩn nghèo theo phương pháp đa chiều cũng có một số bất cập như: Việc xác định hộ nghèo đa chiều sẽ làm thay đổi các số liệu đã được đề ra, điều đó sẽ kéo theo sự thay đổi chỉ tiêu của nhiều vấn đề khác. Việc xác định các chiều nghèo, chỉ số đo lường, mức độ thiếu hụt đòi hỏi việc dựa trên cơ sở dữ liệu cập nhật, đầy đủ, song các số liệu này được đo vẫn còn dựa trên yếu tố cảm tính. Khi áp dụng phương pháp điều tra thì các hộ được xem là hộ nghèo thường rơi vào các đối tượng người cao tuổi, vì nhu cầu sử dụng dịch vụ tiện ích xã hội ít, trong khi đó các gia đình có nhiều con đang trong độ tuổi đi học, gia đình có người mắc trọng bệnh... cần được sử dụng các ưu đãi từ hộ nghèo lại không thuộc diện nghèo... Việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều là một phương thức mới, khác hẳn quan niệm về nghèo thu nhập, do đó cũng gây nên những lúng túng khi triển khai và sự tiếp nhận của người dân....

Để một chính sách thẩm thấu vào đời sống đòi hỏi sự chuẩn bị về năng lực, nguồn lực và thời gian. Quá trình chuyển đổi tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều đòi hỏi sự thống nhất và phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa các cấp, các ngành trên địa bàn huyện.

                       Mai Trang

                       Ban Tuyên giáo Huyện ủy