CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Đảng bộ xã Công Bình 60 năm một chặng đường.

Đăng lúc: 12:52:09 05/11/2015 (GMT+7)
100%

Công Bình ở phía nam huyện Nông Cống, nằm trên tỉnh lộ 505, cách trung tâm huyện 19 km, là xã thuần nông. Công Bình có diện tích tự nhiên là 1.263,29 ha, dân số là 5379 người. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Công Bình nằm trong tổ chức hành chính thuộc Tổng Lạc Thiện. Tháng 7/1954 xã Công Liêm (lớn) được chia thành 3 xã (Công Liêm, Công Chính, Công Bình) từ đó xã Công Bình chính thức có tên trong danh sách đơn vị hành chính quốc gia.

                Trước yêu cầu của cách mạng, ngày 15/10/1955 Huyện ủy Nông Cống quyết định thành lập chi bộ Đảng xã Công Bình. Lúc này chi bộ có 18 đảng viên, đồng chí Nguyễn Văn Đăng được bầu làm bí thư chi bộ. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, mốc son lịch sử đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của lực lượng lãnh đạo và phong trào cách mạng địa phương. Ngay sau khi được thành lập, chi bộ đảng đã trực tiếp lãnh đạo, động viên nhân dân đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, phát triển kinh tế. Trước yêu cầu ngày càng cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở, với sự trưởng thành về số lượng và chất lượng đảng viên. Ngày 10/4/1962, Huyện ủy Nông Cống đã quyết định thành lập Đảng bộ xã Công Bình trên cơ sở chi bộ trước đây. Lúc này Đảng bộ có 85 đảng viên sinh hoạt ở 4 chi bộ: Yên Nẫm, Ôn Lâm, Yên Phú và Yên Hòa, đồng thời tiến hành Đại hội Đảng bộ xã lần thứ nhất đồng chí Trần Văn Hứa được bầu làm Bí thư Đảng bộ.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, với địa thế, có núi non hiểm trở, Công Bình luôn được chọn là căn cứ quan trọng, là nơi đã từng xảy ra nhiều trận chiến ác liệt tại các địa điểm như: Ổn Lâm-Kỳ thượng, cầu Chuồng, ngã ba Đồn, kho xăng dầu K6, tuyến đường 12... Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Không có gì quý hơn độc lập tự do", dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ và nhân dân Công Bình đã ra sức thi đua lao động sản xuất, huy động sức người, sức của phục vụ cho tiền tuyến, hàng trăm thanh niên sẵn sàng nhập ngũ tham gia đánh giặc trên các chiến trường. Các phong trào "Đồng tâm bớt bữa"; "Hũ gạo tiết kiệm"; "Diệt giặc dốt như diệt giặc ngoại xâm"; "Tuần lễ vàng"; "Tuần lễ đồng" v..v được nhân dân tích cực hưởng ứng, chỉ trong một thời gian ngắn đã quyên góp được 730 đồng tiền, 12.500 kg gạo, 7.250 kg thóc, gần 100 gia đình cho nhà nước mượn nhà làm kho xưởng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp lớp thanh niên trong xã lại “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, người ở nhà chắc tay súng, vững tay cày, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu chống lại sự liều lĩnh điên cuồng của không lực Hoa Kì. Nhân dân Công Bình tích cực tham gia, luôn chủ động, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, tất cả vì Miền Nam ruột thịt. Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” Công Bình đã cung cấp cho tiền tuyến 1.400 tấn lương thực, 370 tấn thực phẩm, hàng trăm thanh niên lên đường nhập ngũ, tham gia thanh niên xung phong, chiến đấu anh dũng trên các chiến trường, hàng ngàn lượt người ở hậu phương tham gia dân quân tự vệ, cứu thương, vận chuyển hàng hóa, làm đường, sửa cầu đảm bảo giao thông thông suốt. Bất chấp mưa bom bão đạn dội xuống phá hỏng cầu cống, trường học, nhà ở hoang tàn xơ xác, các lực lượng địa phương vẫn luôn bán sát trận địa bảo vệ cầu Chuồng, kho xăng dầu K6, đảm bảo thông suốt cho các đoàn xe, đoàn quân hành quân thẳng tiến vào trận địa miền Nam, góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Cùng với cả nước, nhân dân Công Bình còn hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế cao cả, góp phần giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong các cuộc chiến tàn khốc, ác liệt đó xã Công Bình đã có 83 người con đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập của Tổ quốc, 46 thương binh, bệnh binh, 68 thanh niên xung phong, toàn xã đã đào đắp 700 cái hầm, 3000m hào giao thông, 30 km mương chôn ống vận chuyển xăng dầu từ xã đi Bò Lăn: 60 ngôi nhà tranh tre để làm nơi nghỉ cho bộ đội; 30 tấn rau xanh; 2300 tấn lương thực phục vụ cho chiến trường. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân xã Công Bình Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, 96 người được tặng thưởng Huân chương giải phóng, 218 người được tặng thưởng Huân chương chiến công, 121 người được tặng thưởng Huy chương kháng chiến, 6 bà mẹ được phong tặng và truy tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 2000 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho cán bộ và nhân dân xã nhà.

Bước vào thời kì đổi mới, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, cán bộ và nhân dân xã nhà tiếp tục đoàn kết, phát huy tính cần cù, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Công Bình liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Các công trình phúc lợi như trạm xá, trường học, công sở, giao thông... được xây dựng khang trang, bề thế, Kinh tế tăng trưởng khá, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng nông nghiệp giảm dần, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng nhanh. Trong đó: nông, lâm, thủy sản: 54 %; công nghiệp, TTCN, xây dựng cơ bản 24%; dịch vụ, thương mại: 22 %. Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển mạnh theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trên 80% đường giao thông trong thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; hệ thống mương tưới tiêu cơ bản đáp ứng yêu cầu cho sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2014 là 18.460 000 đồng. Văn hóa - xã hội có những bước phát triển. Đến nay xã có 7 làng, cơ quan đạt văn hóa; Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên từng bước được nâng lên; nội dung phương thức hoạt động của mặt trận tổ quốc các đoàn thể không ngừng được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Phát huy thành quả đã đạt được, cán bộ và nhân dân Công Bình tiếp tục phấn đấu, đoàn kết, kịp thời nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, sớm đưa Công Bình trở thành xã nông thôn mới.

                                                                                               Phạm Minh