CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ - CHÌA KHÓA CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HUYỆN

Đăng lúc: 10:06:42 31/03/2016 (GMT+7)
100%

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) và các làng nghề là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn với mục tiêu “ly nông bất ly hương”.

          Trong những năm qua, CN - TTCN và làng nghề trên địa bàn huyện được quan tâm chỉ đạo du nhập và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; tổ chức đào tạo nghề và duy trì nghề cho gần 3000 lao động, tạo ra thu nhập khoảng 134 tỷ đồng (bình quân đạt 26,8 tỷ đồng/năm); đồng thời duy trì và phát triển các nghề truyền thống như: nón lá, chiếu cói, hương bài... thu nhập khoảng 172 tỷ đồng (bình quân 34,4 tỷ đồng/năm). Năm 2014, toàn huyện có khoảng 5185 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, với 13.650 lao động chiếm 13% tổng số lao động đang làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tạo ra giá trị sản xuất là 1565 tỷ đồng (giá hiện hành), điều đó đã khẳng định đầu tư phát triển CN - TTCN là bước đi đúng đắn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

 Tuy nhiên, CN - TTCN và làng nghề vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế của huyện; chưa tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, chất lượng lao động còn thấp, trình độ tay nghề chưa cao, khả năng cạnh tranh còn yếu. Số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đóng trên địa bàn còn ít, quy mô nhỏ, trình độ lao động hạn chế. Việc phát triển CN-TTCN và các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn về tổ chức sản xuất, vốn, nhân lực, công nghệ, thị trường tiêu thụ; các nhóm nghề chế biến nông, lâm, thủy sản mới chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình, chất lượng sản phẩm chưa cao, chủ yếu phục vụ cho một bộ phận dân cư, thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong nước, chưa ổn định, chưa có thị trường xuất khẩu, khả năng tiếp thị sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống còn yếu... Trước những bất cập, hạn chế trên, huyện xác định nhiệm vụ cần thiết là phải nâng cao hiệu quả sản xuất, tính cạnh tranh của ngành CN-TTCN và các làng nghề. Việc xây dựng Đề án phát triển CN-TTCN và các làng nghề huyện Nông Cống giai đoạn 2016-2020 và định hướng sau năm 2020 là cần thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Là chìa khóa mở ra cánh cửa cho sự phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, với mục tiêu khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đất đai, khoáng sản, lao động nhằm tạo ra những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường; đảm bảo tăng trưởng bền vững với tốc độ hàng năm 17,18%, cơ cấu ngành trong giá trị sản xuất chiếm 43,3%.

Để giải bài toán về phát triển CN - TTCN và các làng nghề giai đoạn 2015-2020 theo hướng bền vững cần tạo điều kiện tối đa để thu hút các nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và thành phần kinh tế, tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế gắn với vùng nguyên liệu như công nghiệp khai khoáng vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, đặc biệt là các dự án chế biến rau, các sản phẩm từ gạo, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, tập trung vào sáu nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Một là: Triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển CN-TTCN, làng nghề của Trung ương, của tỉnh, của huyện như: chính sách đất đai, đầu tư, tín dụng, thuế, lao động và đào tạo; quan tâm đến vấn đề cải cách các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy CN-TTCN và các làng nghề phát triển .

Hai là: Phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư và phát triển CN-TTCN, ngành nghề nông thôn và dịch vụ. Đầu tư, kêu gọi đầu tư phát triển đô thị để tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ phát triển, ưu tiên đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính tín dụng, cơ khí sửa chữa, nhà hàng, khách sạn...; chỉ đạo chuyển đổi mô hình quản lý chợ nhằm xã hội hoá đầu tư phát triển các chợ đô thị, chợ nông thôn để các chợ là trung tâm hoạt động thương mại của từng vùng trong huyện, tạo điều kiện giao thương hàng hoá, thúc đẩy phát triển sản xuất.

Ba là: Khuyến khích các cơ sở sản xuất CN-TTCN, làng nghề đổi mới thiết bị, áp dụng các tiến bộ KHKT công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường. Khai thác, phát triển thị trường; hỗ trợ tích cực cho phát triển các sản phẩm nghề và làng nghề; tổ chức tham gia các hội chợ triển lãm các sản phẩm làng nghề, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; xúc tiến thương mại thông qua việc giới thiệu sản phẩm ở các kênh thông tin đại chúng.

Bốn là: Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn; kiện toàn và phát triển các làng nghề. Đây là giải pháp có hiệu quả, vốn đầu tư ít mà lại giải quyết được nhiều lao động, đồng thời có thể tranh thủ nhanh được công nghệ hiện đại và thích hợp. Các doanh nghiệp này làm đầu mối hỗ trợ đầu vào, đầu ra cho các hộ làng nghề phát triển. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, duy trì phát triển làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống đã được công nhận. Xây dựng phát triển làng nghề mới gắn với quy hoạch nông thôn. Chỉ đạo các xã, thôn làng cần chủ động lập các dự án đầu tư xây dựng các làng nghề mới. Lựa chọn, bồi dưỡng, hỗ trợ một số hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh có hiệu quả, năng động làm nòng cốt nhằm thu hút lao động nhàn rỗi trong địa phương, dần hình thành các cụm, điểm sản xuất TTCN hoạt động sản xuất kinh doanh năng động.

Năm là: Đào tạo nguồn nhân lực. Đối với lao động chưa có nghề thì đào tạo theo hình thức truyền nghề, kèm cặp tại nơi sản xuất. Đối với lao động đã có nghề, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức theo hình thức tập huấn ngắn ngày tại các trung tâm dạy nghề địa phương. Kiện toàn hệ thống đào tạo. Khuyến khích hình thành các cơ sở đào tạo nghề tại nơi sản xuất, đào tạo dạy nghề cho người lao động ở nông thôn, bồi dưỡng để trở thành thợ giỏi, nghệ nhân.

         Sáu là: Tăng cường vai trò quản lý nhà nước và phối hợp của hệ thống chính trị. Tuyên truyền đổi mới nhận thức về phát triển CN- TTCN, làng nghề của các ngành các cấp, nhất là đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực CN- TTCN, làng nghề. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển. Mỗi xã có một cán bộ trực tiếp phụ trách công tác phát triển CN- TTCN và các làng nghề. Các ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp xây dựng các kế hoạch và biện pháp cụ thể để đẩy mạnh việc vận động, xúc tiến đầu tư và huy động vốn nhằm khôi phục, phát triển CN - TTCN và làng nghề.
                                                                                                                              Mai Trang