CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Những đóng góp quan trọng của ngành Nông nghiệp cho sự phát triển kinh tế - xã hội huyện giai đoạn 2010 - 2015

Đăng lúc: 14:28:01 04/08/2015 (GMT+7)
100%

                   Nông Cống là một huyện thuần nông, tuy nhiên nhìn lại những năm trước 2010 có thể thấy, khi nói đến nông nghiệp Nông Cống nhiều người đều nghĩ đến sự khó khăn “chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt”; năng suất cây trồng thường thấp hơn so với bình quân chung của tỉnh, trong đó năng suất lúa ở vụ chiêm xuân bình quân chỉ từ 62-64 tạ/ha, vụ Thu mùa từ 46-48 tạ/ha, sản lượng lương thực hàng năm 123-125 ngàn tấn, ngoài những khó khăn do điều kiện tự nhiên, còn có yếu tố chủ quan của con người đó là: tính bảo thủ của nhân dân trong việc ứng dụng cơ cấu bộ giống dẫn đến chưa phù hợp, diện tích gieo cấy bằng giống có thời gian sinh trưởng dài, giống tái giá, giống cũ vẫn ở mức cao; thường gieo cấy sớm ở vụ chiêm xuân, muộn ở vụ Thu mùa, dẫn đến nhiều vụ chiêm xuân lúa bị chết rét với diện tích lớn (vụ chiêm xuân năm 2008 toàn huyện bị chết 5.120 ha chủ yếu là lúa 13/2), bị thiệt hại do lũ lụt và sâu đục thân trong vụ Thu mùa, qua đó đã làm giảm năng suất, sản lượng sản lương thực và khó khăn cho sản xuất vụ Đông. Hệ thống tưới tiêu còn thiếu và không đồng bộ, nhất là hệ thống tiêu nội đồng không đảm bảo cho việc tiêu úng; các cây trồng có giá trị kinh tế cao diện tích còn ít; chăn nuôi theo mô hình trang trại phát triển chậm chủ yếu là chăn nuôi hộ gia đình; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống giao thông nội đồng chưa đồng bộ và diện tích manh mún; hoạt động của các hợp tác xã còn mang nặng tính hành chính chưa thực hiện tốt các khâu dịch vụ .......

Trước thực trạng trên, để khẳng định Nông Cống là một huyện trọng điểm về nông nghiệp của cả tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND, các ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành bằng nhiều giải pháp phù hợp với thực tế như thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu giống cơ cầu mùa vụ, đánh giá phần tích nông hóa thổ nhưỡng để bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, xây dựng vùng lúa thâm canh chất lượng cao, kêu gọi các nguồn vồn đầu tư đồng bộ vào hệ thống tưới tiêu .... vì vậy sản xuất nông nghiệp của huyện đã thu được nhiều kết quả khá quan trọng góp phần vào việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Nghị quyết đại hội  Đảng bộ huyện đề ra. Những thành tựu đạt được của ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2010-2015: 

 Trong lĩnh vực trồng trọt: Sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 03 về tập trung sự lãnh đạo của Đảng trong chuyển đổi cơ cấu giống, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ trong sản xuất lúa, đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong sản xuất lúa của huyện nhà. Sau 4 năm thực hiện, đến nay toàn huyện cơ bản đã loại bỏ được giống cũ, giống dài ngày, thay vào đó nhân dân đã chủ động gieo cấy bằng các loại giống lúa lai, giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn cho năng suất cao, chất lượng tốt ở cả 2 vụ, vì vậy đã hạn chế tối đa được thiệt hại do rét đậm rét hại ở đầu vụ Chiêm xuân, ngập úng ở vụ Thu mùa, đặc biệt giảm được thiệt hại do sâu đục thân lứa 5 gây ra. Vì vậy, đã góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất lên bình quân 68 đến 72 tạ/ha vụ Chiêm xuân và 56 - 58 tạ vụ Thu mùa.

Với việc chuyển đổi được cơ cấu mùa vụ, đánh giá được nông hóa thổ nhưỡng nên nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất với diện tích lớn như ớt xuất khẩu, bí xanh, dưa bao tử, rau an toàn, cà chua .... qua đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, nhiều diện tích trồng ớt giá trị sản xuất đạt trên 15 triệu/sào/vụ, góp phần giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Các cây trồng khác như: cói, mía, lạc, ngô, khoai lang diện tích ổn định nhưng năng suất chất lượng hiệu quả cao hơn so với giai đoạn 2005 - 2010.

Cánh đồng năng suất, chất lượng cao được đầu tư một cách đồng bộ về giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng việc dồn điền, đổi thửa đạt kết quả cao nên việc đưa cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tăng nhanh, nhất là khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển, đến năm 2015 tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất đạt 80%, trong thu hoạch đạt 45%. Vì thế năng suất và sản lượng, giá trị gia tăng trong sản xuất lúa của huyện đã được tăng lên đáng kể. Sản lượng lương thực trung bình 5 năm (2011 - 2015) đạt 130,4 ngàn tấn/năm. Đặc biệt năm 2014 sản lượng lương thực đạt 136,7 ngàn tấn, vượt chỉ tiêu Đại hội lần thứ XXII đề ra, tăng 4,3% so với năm 2010.

Trong lĩnh vực chăn nuôi: Tuy tổng đàn gia súc giảm nhưng thịt hơi xuất chuồng các loại đều tăng, có được như vậy chúng ta đã thực hiện có hiệu quả chương trình cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò và nạc hóa đàn lợn. Đến nay có trên 85% số lượng đàn bò được sin hóa hoặc zê bu hóa, trên 90% đàn lợn nuôi là lợn lai F1. Phát huy lợi thế  về điều kiện tự nhiên huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển đàn gia cầm, đến năm 2015 đàn gia cầm toàn huyện đạt 1,4 triệu con tăng 17,3% so với năm 2010. Chăn nuôi trên địa bàn huyện giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình, thay vào đó là chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại đã ấp dụng tiến bộ khoa học kỹ thật và sản xuất và kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Về nuôi trồng thủy sản: Sản xuất nuôi trồng thủy sản tăng cả về diện tích, sản lượng và giá trị, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2015 là 765ha, giá trị sản xuất ước đạt 49,2 tỷ đồng tăng 2,46 lần so với năm 2010.

Để sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển bền vững, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, trong thời gian tới huyện đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

Xây dựng và triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; thực hiện tốt công tác liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tạo sự ổn định trong phát triển kinh tế; xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

          Rà soát đánh giá điều kiện sản xuất, từ đó quy hoạch vùng lúa chất lượng, vùng sản xuất rau an toàn để phục vụ nhu cầu của thị trường và khu kinh tế Nghi Sơn; chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; khuyến khích tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm, tăng giá trị thu nhập/ha đất canh tác.  

           Khôi phục phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung, đến năm 2020 toàn huyện có 5 khu chăn nuôi tập trung; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò, nạc hóa đàn lợn, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị trong chăn nuôi.

          Quy hoạch sản xuất nuôi trồng thủy sản, khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước để tăng diện tích nuôi trồng thủy sản; chú trọng phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, phấn đấu giá trị sản xuất thủy sản tăng 8% năm trở lên.

          Tập trung chỉ đạo phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, trong đó: xây dựng và triển khai đề án phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020; thành lập tổ hợp tác trong sản xuất nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa lớn có tính cạnh tranh cao.

Phát huy lợi thế về tiềm năng đất đai, lao động, những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và sản xuất, huyện Nông Cống sẽ tiếp tục đưa nền nông nghiệp huyện nhà phát triển bền vững và toàn diện.

                                                      Nguyễn Văn Tuấn
                                              Phó Chủ tịch UBND huyện