CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN NÔNG CỐNG

Đăng lúc: 15:22:51 03/07/2020 (GMT+7)
100%

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã xây dựng 3 chương trình trọng tâm là: phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề; đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết đã tạo ra những bước đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ban biên tập lần lượt cụ thể hóa kết quả thực hiện các chương trình trọng tâm trong các số Thông tin nội bộ. Xin trân trọng giới thiệu kết quả thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên đại bàn huyện trong 5 năm qua.

             Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của huyện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, nổi lên vẫn là những gam màu tươi sáng, với nhiều thành tựu khá toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới với tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 5,56%; giá trị sản xuất năm 2020 dự kiến đạt 2.561,3 tỷ đồng; giá trị sản xuất/ha canh tác ước đạt 101 triệu đồng, vượt mục tiêu Đại hội đề ra.

Ngay sau đại hội, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã khẩn trương cụ thể hóa nghị quyết, chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ huyện thành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của từng ngành, từng địa phương, đơn vị với những mục tiêu, bước đi, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể. Ban Chấp hành Đảng bộ đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Nghị quyết số 13-NQ/TU của tỉnh ủy về tích tụ tập trung đất đai, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; Kết luận số 01-KL/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về cải tạo vườn tạp trên địa bàn… từ đó làm thay đổi tư duy, tập quán canh tác của nhân dân trong huyện, đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa...đến nay 100% khâu làm đất, 90% khâu thu hoạch đạt đã được cơ giới hóa, xây dựng được 49 mô hình sản xuất, gồm: 15 mô hình chăn nuôi, 12 mô hình cải tạo vườn tạp, 10 mô hình sản xuất trồng trọt, 6 mô hình thủy sản, 4 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, 2 mô hình tích tụ để sản xuất lúa quy mô lớn. Cải tạo 1.200 ha vườn tạp, trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi linh hoạt 1.400 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thủy cầm kết hợp trồng lúa, trồng cây có giá trị kinh tế cao như: cây dược liệu, cây ăn quả, cây thức ăn chăn nuôi theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm lợi thế của huyện như: sản xuất lúa gạo chất lượng cao, rau an toàn... Khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mở rộng vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP với diện tích 25 ha tại các xã Thăng Long, Vạn Thắng, Vạn Hòa, Công Liêm, Trường Sơn; xây dựng và hình thành vùng sản xuất hoa tập trung, hình thành 5 khu sản xuất công nghệ cao tại xã Trung Chính và Thị trấn Nông Cống; Tế Lợi, Thăng Long, Trường Sơn; 2 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi gắn với chế biến tại Trung Thành và Hoàng Giang.

Trong chăn nuôi từng bước chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung gắn với an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; cơ cấu các giống con nuôi có hiệu quả kinh tế, phù hợp với nhu cầu thị trường theo tiêu chuẩn VietGAP như: dê sinh sản, lợn hữu cơ, lợn nái ngoại, gà hữu cơ, gia cầm siêu thịt, siêu trứng... Đến nay, tỷ lệ đàn bò lai đạt 100%; đàn lợn hướng nạc chiếm trên 85%; xây dựng 5 vùng quy hoạch chăn nuôi trang trại với diện tích 185ha tại các xã: Tân Khang - Tân Thọ, Trung Thành - Tế Thắng, Tế Lợi - Minh Nghĩa, Trường Giang - Trường Sơn, Công Chính - Yên Mỹ. Xây dựng 4 cơ sở giết mổ tại 04 vùng của huyện, quy mô 15 - 30 con gia súc/ngày đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản được chú trọng, tăng cả về diện tích, sản lượng và giá trị, xây dựng được một số mô hình thủy sản như: tôm công nghiệp nước lợ, nuôi tôm thẻ chân trắng, cá nước ngọt ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản 1.100 ha.

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực; nhiều dự án lớn đã được đầu tư vào địa bàn huyện như: Dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa tập trung tại xã Yên Mỹ với quy mô 20 nghìn con; dự án sản xuất cây rau má và cây dược liệu tại xã Tượng Sơn; dự án sản xuất mùn hữu cơ xuất khẩu tại xã Vạn Thắng tạo bước đột phát trong giá trị tăng trưởng của nông nghiêp. Trong nhiệm kỳ đã thành lập được các hợp tác xã chăn nuôi có triển vọng phát triển như: hợp tác xã chăn nuôi bò sữa nông hộ công nghệ cao tại Yên Mỹ; hợp tác xã nuôi trồng thủy sản tại Trường Giang; hợp tác xã chăn nuôi Dê an toàn sinh học tại Hoàng Sơn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và liên kết sản xuất.

Trong xây dựng Nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong huyện đồng sức, đồng lòng, huy động các nguồn lực để tập trung xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và sinh hoạt đã tạo nên một nông thôn mới với cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ và hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện được nâng cao. Tổng nguồn vốn thực hiện ước đạt 442,55 tỷ đồng, toàn huyện đã đạt được gần 600 tiêu chí, có 23/29 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 01 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu hết năm 2020 có 100% xã hoàn thành 19/19 tiêu chí Nông thôn mới và huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện Nông thôn mới, vượt mục tiêu Đại hội.
                                                                                       Mai Trang