CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Giáo dục Nông Cống: Xứng danh vùng đất học

Đăng lúc: 14:28:01 04/08/2015 (GMT+7)
100%

Nông Cống có truyền thống hiếu học, từ thời ông cha đến nay còn lưu danh 23 tiến sĩ trong 82 bia ở Quốc Tử Giám Hà Nội. Thế hệ ngày nay luôn phát huy truyền thống hiếu học của ông cha; nhiều nhà giáo là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo, tất cả vì học sinh thân yêu với quyết tâm "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt" như lời Bác dạy; Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thịnh, Nhà giáo ưu tú Phạm Bá Phong và hàng nghìn lượt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện đã minh chứng cho sự lớn mạnh, tiến bộ của đội ngũ nhà giáo ngày hôm nay. Chính những con người ấy đã viết tiếp những trang sử vàng và góp phần tô thắm truyền thống hiếu học của quê hương.

                  Là một huyện thuần nông, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn song các thế hệ lãnh đạo huyện luôn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. Với phương châm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, trong những năm qua toàn ngành ra sức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại Hội Đảng toàn Quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Đặc biệt từ năm học 2007-2008 ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 04/TV- HU của Thường vụ Huyện uỷ về định hướng phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục - đào tạo giai đoạn 2007-2010 và đến năm 2015 của công tác giáo dục huyện nhà trong tình hình mới. Giáo dục Nông Cống như có luồng gió mới, động lực mới thúc đẩy giáo dục phát triển toàn diện. Được sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các tổ chức đoàn thể và sự ủng hộ của nhân dân trong thời gian qua cho sự phát triển của công tác giáo dục đào tạo, đến nay ngành Giáo dục và Đào tạo Nông Cống đã có biến những bước tiến, những thành tích vững chắc rất đáng tự hào. Đội ngũ nhà giáo và các em học sinh ở tất cả các ngành học, cấp học đã đoàn kết một lòng ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từng năm học. Quy mô phát triển trường lớp, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học và chất lượng giáo dục đã được nâng lên. Đã đầu tư xây dựng 100% trường học kiên cố và cao tầng, khuôn viên, bãi tập, sân chơi, cây xanh, hệ thống vệ sinh học đường tương đối hoàn thiện theo hướng trường đạt chuẩn Quốc gia. Mạng lưới trường lớp được quy hoạch phù hợp điều kiện, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mỗi xã đều có trường mầm non, tiểu học, THCS, TTHTCĐ và toàn huyện có 6 trường THPT; 1 TTGDTX đã đáp ứng tốt cho nhu cầu học tập của học sinh, nhân dân trên địa bàn huyện. Công tác phổ cập đạt kết quả tốt, tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 94,7%, phổ cập trẻ 5 tuổi lớp mẫu giáo đạt tỷ lệ 100%; phổ cập tiểu học đúng độ tuổi đạt 98,7%; phổ cập THCS đạt 96%. Có những chính sách giúp những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, học sinh khuyết tật đến trường hòa nhập cộng đồng đạt tỷ lệ cao.

  Công tác xây dựng trường Chuẩn quốc gia, là một chủ trương lớn, được quan tâm chỉ đạo, nhận được sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân và được xã hội hóa. Đã tập trung được mọi nguồn lực bằng việc huy động hàng nghìn tỷ đồng và lao động tự nguyện vào việc xây dựng cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn. Từ năm 2010 đến nay trung bình mỗi năm xây dựng và được công nhận 3 trường chuẩn, nâng tổng số trường Chuẩn Quốc gia trong toàn huyện lên 64 trường, đạt tỉ lệ 58,7%. Trong đó Mầm non 16 đơn vị, Tiểu học 32 đơn vị THCS 15 đơn vị, THPT 01 đơn vị.  Có 09 đơn vị đạt chuẩn mức độ hai (TH Trung Chính, Hoàng Giang, Hoàng Sơn, Tế Lợi, Vạn Thắng, Thị Trấn, Trường Sơn,  Tượng Lĩnh và Minh Thọ). Có 08 xã đạt chuẩn cả 3 cấp học (xã Hoàng Giang, Vạn Thắng, Tân Phúc, Minh Thọ, Vạn Hoà, Thăng Long, Trường Sơn và Tượng Văn). Phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện đạt 75% số trường chuẩn Quốc gia.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo được quan tâm. Trong năm học 2014-2015 đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo đạt trình độ đào tạo chuẩn hóa 100%, trên chuẩn 73,4%; có 65% giáo viên đạt danh hiệu giỏi cấp huyện, 62 giáo viên có giờ dạy giỏi cấp tỉnh. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được chú trọng. Chỉ tính riêng năm học 2013-2014 cuộc thi giáo viên, học sinh viết chữ đẹp cấp tỉnh, đồng đội xếp thứ 2 trên 27 huyện thị. Cuộc thi "Trạng nguyên nhỏ tuổi" do Bộ Giáo dục tổ chức tại Quốc Tử Giám Hà Nội, toàn tỉnh có duy nhất một học sinh lớp 3B trường Tiểu học Vạn Thắng dự thi và đạt giải khuyến khích. Đối với bậc học THCS trong 5 năm tham gia thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp tỉnh đạt 249 giải trong đó 9 giải nhất 21 giải nhì, 100 giải ba và 119 giải khuyến khích; trong kỳ thi học sinh giỏi bậc THCS năm học 2014-2015 đồng đội xếp thứ 6 cấp tỉnh. Năm học 2013-2014 cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông, Nông Cống đạt giải Ba cấp tỉnh (không có giải Nhất, Nhì) và đạt giải Ba cấp Quốc gia với dự án: Hệ thống tự động đổi đèn pha thành cốt khi gặp ánh sáng ngược chiều của 03 học sinh trường THCS Hoàng Giang. Trung tâm GDTX  trong 05 năm có 61 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó 3 giải Nhất, 07 giải Nhì, 19 giải Ba, 32 giải khuyến khích; có 02 giải học sinh giỏi quốc gia. Giáo dục đại trà và giáo dục toàn diện trong 05 năm qua đã có 2108 giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Trong cuộc thi tiếng hát Giai điệu tuổi hồng cấp tỉnh, Nông Cống đạt giải Nhất toàn đoàn năm học 2010-2011 và năm học 2012-2013

Công tác nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) đã trở thành phong trào triển khai áp dụng rộng rãi trong trường học. Trong 05 năm gần đây đã có 2299 SKKN được các trường chọn gửi về dự thi cấp huyện và đã có 1609 lượt  SKKN được xếp loại cấp huyện. Trong đó loại A: 182, loại B: 657, loại C: 770, trong  đó có 170 SKKN được xếp loại cấp tỉnh. Điển hình như: Trường mầm non Tế Thắng, Trung học Thị Trấn, THCS Trần Phú Thị Trấn, THCS Minh Thọ, THCS Thăng Long.

 Đến nay 100% các trường học có máy tính nối mạng tốc độ cao phục vụ cho công tác quản lý, giảng dạy và học tập; Hơn 50 trường có phòng học tin học kết nối mạng lan. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học được đầu tư mua sắm bổ sung hàng năm cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy học.

Phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện - học sinh tích cực” được tổ chức thực hiện thường xuyên hàng năm. Nhà trường tổ chức các hoạt động như: chăm sóc di tích lịch sử, đài tưởng niệm, Nghĩa trang Liệt sỹ, làm sạch môi trường; các hoạt động văn hoá được học sinh hưởng ứng tham gia. Một số trường đã thí điểm đưa các trò chơi dân gian vào sân trường nhằm bảo tồn, phát huy những trò chơi truyền thống, tạo ra những sân chơi lành mạnh và môi trường thân thiện cho học sinh. Nề nếp, kỷ cương trường lớp chuyển biến rõ nét; mối quan hệ thầy trò, quan hệ bạn bè, quan hệ nhà trường với địa phương ngày càng gắn bó, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường.

Những đóng góp trên của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã được nhà nước, chính phủ, UBND tỉnh, UBND huyện ghi nhận. Nhiều tập thể, cá nhân đã được tặng thưởng giấy khen, bằng khen vì có những thành tích đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương. Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục phấn đấu giữ vững danh hiệu đơn vị lá cờ đầu của giáo dục toàn tỉnh đưa sự nghiệp giáo dục của huyện phát triển lên tầm cao mới xứng danh với vùng quê hiếu học.

BAN BIÊN TẬP