CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NÔNG CỐNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ HUYỆN LẦN THỨ XXIII, NHIỆM KỲ 2015-2020!

Cần tạo sân chơi cho học sinh trong dịp hè

Đăng lúc: 14:23:08 04/08/2015 (GMT+7)
100%

Hè đến, khi học sinh tạm chia tay trường, lớp cũng là lúc các bậc cha mẹ canh cánh nỗi lo quản lý con trong dịp hè. Làm thế nào để con mình có một kỳ nghỉ hè bổ ích, lý thú sau một năm học không phải là điều đơn giản.

                  Những năm gần đây, chất lượng cuộc sống của người dân trong huyện ngày càng được cải thiện, đồng nghĩa với việc trẻ em được quan tâm nhiều hơn để đảm bảo sự phát triển toàn diện. Trong năm học các bậc cha mẹ học sinh thường tạo mọi điều kiện, giành hết thời gian cho việc học của trẻ. Khi hè về các gia đình thường muốn cho con có được những ngày hè bổ ích, an toàn với những sân chơi phù hợp. Hiện nay toàn huyện có hơn 40 ngàn thanh, thiếu nhi sinh hoạt ở 33 xã, thị trấn. Điều này cũng đặt ra một trăn trở là làm thế nào để vừa tổ chức sân chơi bổ ích, lành mạnh vừa quản lý tốt các em. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hậu, Bí thư huyện đoàn cho biết: “Để thu hút lượng học sinh tham gia sinh hoạt hè đông đảo, Huyện đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa như: tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng công tác đội và phong trào thanh thiếu niên cho cán bộ làm công tác đoàn, đội; xây dựng kế hoạch tổ chức trại hè và Đại hội cháu ngoan Bác Hồ; hướng dẫn các liên đội xây dựng kế hoạch cho đội viên, nhi đồng tham gia các phong trào như: Áo lụa tặng bà, kế hoạch nhỏ...” Tuy nhiên, những hoạt động này đã thực sự lôi cuốn được đông đảo các em tham gia?. Là một huyện thuần nông, phần lớn các hộ gia đình trên địa bàn huyện gắn với nghề sản xuất nông nghiệp nên mùa hè cũng là mùa trẻ phải phụ giúp cha mẹ những công việc nhà như: nấu cơm, quyết dọn, trông nhà, bế em hoặc chăn trâu, chăn bò... Bên cạnh đó không gian vui chơi của các em chủ yếu là khu vực nhà văn hóa thôn, làng, thậm chí là những bãi đất trống, có khi ngay cả trên đường... Các em tranh thủ khoảng thời gian rãnh rỗi để chơi, thậm chí tranh thủ lúc đi chăn trâu, chăn bò để tắm sông, thả diều, đá bóng, bẩy chim, bắt ve.... Song, do các em không được trang bị các kỹ năng sống, bên cạnh đó cha mẹ bận rộn với công việc không có thời gian giám sát con em mình nên sau mỗi mùa hè qua đi lại có những trường hợp thương tâm xảy ra phần lớn là do đuối nước và điện. So với các em thiếu nhi thành phố thì các em thiếu nhi ở huyện ta còn thiệt thòi do cơ sở vật chất còn thiếu nên các em chưa có nhiều sân chơi. Trên địa bàn huyện có một công viên song không có dịch vụ vui chơi nào đáng kể; huyện không có hồ bơi cũng như các dịch vụ dạy bơi, một số gia đình có điều kiện thường cho con đi tập bơi ở các hồ bơi ở huyện bạn, hoặc ở thành phố. Co những gia đình hè về thường cho con em tham gia “Học kỳ trong quân đội" để giúp trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ và thể chất, tính kỷ luật, sáng tạo, sự dũng cảm, ý chí vươn lên... Đó cũng là những nhu cầu chính đáng mà các em cần được hưởng, song số đó chỉ được tính trên đầu ngón tay. Trên địa bàn huyện hiện nay 100% các thôn, làng đều có nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt, nâng cao đời sống văn, thể, mỹ cho người dân. Không ít nhà văn hóa được xây dựng khang trang, nhưng thực tế chủ yếu phục vụ hội họp, sinh hoạt của người dân còn hoạt động cho thiếu nhi rất ít vì không có đồ chơi, dụng cụ, sách báo... Một số nhà văn hóa có tủ sách thì chủ yếu là sách báo cũ, đầu sách dành cho thiếu nhi nghèo nàn, lại không mở cửa thường xuyên. Trẻ em vẫn đang phải tự tìm chỗ chơi ở những nơi thiếu an toàn, thiếu sự kiểm soát của người lớn. Thiếu sân chơi cũng là nguyên nhân chính khiến các em tham gia vào các trò chơi nguy hiểm dẫn đến những tai nạn thương tích không đáng có, nên hằng năm, số tai nạn thương tích luôn tăng vào dịp hè. Nhiều thanh thiếu niên đã tìm đến những trò chơi bạo lực, thiếu lành mạnh trên Internet. Không khó để bắt gặp cảnh các quán game online luôn chật kín các cô, cậu “thượng đế” trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Không ít em vì quá ham mê, sa đà vào game đã bỏ bê việc học hành, có những hành động không phù hợp với lứa tuổi, thậm chí còn tham gia vào các tệ nạn xã hội.

Tại các làng, thôn các hoạt động tập luyện cho trại hè cũng đang diễn ra, song không phải ở thôn, làng nào cũng tổ chức, quy tụ được các em tham gia. Thực tế ở nhiều xã, việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè mới chỉ hướng đến các em nhỏ tuổi, vì vậy không thu hút được học sinh cấp THPT tham gia. Để tạo sân chơi cho các em thiếu nhi không phải việc quá khó. Khi chúng ta chưa có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng các khu vui chơi cho trẻ thì việc tổ chức, hướng dẫn các em chơi như thế nào để phù hợp với điều kiện hiện có là điều cần thiết. Trẻ em ở huyện ta biết chơi nhiều trò chơi dân gian như chơi chuyền, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, thả đỉa ba ba, kéo co, thả diều, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tập duyệt nghi thức đội… những hoạt động này không đòi hỏi phải đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, để chơi được các em phải có người “đầu trò”. Vấn đề là ở chỗ, việc tạo sân chơi cho trẻ cần sự định hướng của người lớn để trẻ có kỹ năng lựa chọn trò chơi, lựa chọn địa điểm và thời gian phù hợp. Khi có sự quan tâm của người lớn, trẻ sẽ tiếp thu được giá trị tích cực của các hoạt động vui chơi, giải trí mà không bị sa đà vào những trò vô bổ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhận thức của trẻ. Đây chính là vai trò của tổ chức đoàn, đội trong việc tạo sân chơi bổ ích cho các em.

Để các em có một mùa hè ý nghĩa, bổ ích, khi rời ghế nhà trường trở về sinh hoạt tại địa phương, giáo viên phụ trách đội nên định hướng cho các em tham gia các hoạt động hè tại nơi sinh sống, có thể kèm theo bản nhận xét hoạt động hè tại địa phương khi vào năm học mới. Song với đó, mỗi gia đình phải phát huy được vai trò của mình. Nên quan tâm, định hướng cho con em mình tham gia sinh hoạt hè tại địa phương, đưa các em vào sinh hoạt ở một tổ chức thì khi đó mới có thể quản lý và tổ chức các hoạt động vui hè cho các em. Bên cạnh đó, bản thân các em thiếu nhi cần có sự phối hợp, tích cực tham gia các hoạt động do tổ chức đoàn, đội phát động. Mặt khác, để tạo sân chơi cho lứa tuổi này, cần có sự quan tâm của các ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương, đặc biệt cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của tổ chức Đoàn, Đội. Thiết nghĩ các cấp, các ngành chức năng cần tìm ra một giải pháp phù hợp, đặc biệt là nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa sẵn có để tạo ra một sân chơi lành mạnh, tích cực cho trẻ, giúp các em phát triển toàn diện và có những kỳ nghỉ hè bổ ích, lý thú.
                                                                                   Mai Trang